Theo đó, quy hoạch vùng Đông Nam bộ với phạm vi ranh giới về hành chính gồm: toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam thuộc địa phận 6 tỉnh thành gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Việc lập Quy hoạch vùng Đông Nam bộ phải bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng; bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân; bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực trong giai đoạn 2021-2025; 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh thành trong vùng lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch; trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để lập quy hoạch và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch; trình cấp có thẩm quyền thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch này theo quy định của pháp luật về quy hoạch.