Các ý kiến tại phiên họp đã phát biểu, làm rõ, cụ thể thêm nhiều nội dung đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất, sự biến động của dòng chảy thượng nguồn diễn ra phức tạp hơn nhiều so với dự báo.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Vùng có lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Hiện nay, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức do tác động của cả tự nhiên và con người, phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những tác động của tự nhiên, con người…
Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu nhiệm vụ lập quy hoạch vùng cần phải xác định được các yêu cầu về nội dung nghiên cứu để khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, từng địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh. Cần đánh giá tổng thể, toàn diện thực trạng của ĐBSCL, cả khó khăn, thuận lợi, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình quản lý, phát triển ĐBSCL.
Quy hoạch phải dự báo được các cân đối lớn của vùng, dựa trên cơ sở tích hợp theo mức độ quy hoạch vùng; làm rõ tích hợp những gì, tích hợp đến đâu để không cứng nhắc, không hạn chế sự sáng tạo, không ôm đồm; đồng thời đảm bảo tính tổng thể, liên kết, đồng bộ. Đặc biệt, quy hoạch vùng ĐBSCL phải khẳng định được đặc thù riêng của vùng, dựa trên cơ sở tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; khung hạ tầng phải có tầm nhìn dài hạn cũng như quy hoạch mềm (kinh tế, xã hội, các kịch bản ứng phó nước biển dâng trong từng giai đoạn)...