Theo hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, cũng như quy chế tuyển sinh quy định: các trường phải công bố đầy đủ thông tin, đề án tuyển sinh trước khi mở đăng ký dự tuyển của đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày; trường hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có) phải trước ít nhất 15 ngày. Thế nhưng, hiện nay rất nhiều thông tin tuyển sinh bị “ém” lại, thậm chí có trường không công bố đề án nhưng vẫn thực hiện xét tuyển.
Chưa công bố đề án vẫn xét tuyển
Ngày 28-4, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các trường đại học (ĐH) về hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH năm 2023. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH ban hành quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh phải đầy đủ mọi thông tin, đồng thời phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.
Thế nhưng, hiện nay vẫn có hiện tượng trường chưa công bố đề án tuyển sinh nhưng vẫn thực hiện xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm. Cụ thể, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM công bố tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023, trong đó có 4 phương thức xét tuyển sớm, gồm: xét kết quả học tập THPT (điểm học bạ); tuyển thẳng theo đề án của trường; xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023; tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Theo thông báo của trường, thời gian đăng ký xét tuyển học bạ THPT có 2 đợt (đợt 1 từ ngày 15-4 đến ngày 30-5; đợt 2 từ ngày 3-6 đến ngày 20-6). Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh ĐH năm 2023.
Em Trần Thanh Ngọc (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thị Pha, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, em muốn đăng ký vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM. Ngày 9-6, Ngọc vào website của trường thực hiện đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Tuy nhiên, em chỉ thấy thông tin về tên ngành, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng điểm xét tuyển (18 điểm), còn thông tin về chỉ tiêu thì hoàn toàn không có. Ngọc liên hệ số hotline của trường để hỏi về chỉ tiêu nhưng được cán bộ tư vấn trả lời rằng cứ đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu rất nhiều nên không phải lo!
Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) thông báo trên trang chủ: “Hệ ĐH chính quy năm 2023, hình thức xét tuyển học bạ, đăng ký sớm, trúng tuyển ngay”, nhưng không có chỉ tiêu, học phí từng ngành. Trường thông báo công bố đề án tuyển sinh trước ngày 10-6, nhưng đến nay vẫn chưa công bố.
Phải minh bạch thông tin với thí sinh
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, nội dung chủ yếu của đề án tuyển sinh bao gồm: thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp, kết quả kiểm định chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp; thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí…
“Hiện nay, nhiều trường chưa công bố, hoặc công bố không đầy đủ thông tin tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn thực hiện xét tuyển là sai. Nguyên nhân có thể do trường ngại công bố chi tiết chỉ tiêu cụ thể cho từng phương thức, từng ngành, hoặc cũng có thể đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm trước nên không dám công khai chỉ tiêu cho năm nay. Đây là hiện tượng thông tin một đằng nhưng tuyển sinh một nẻo, miễn sao đủ chỉ tiêu là được. Việc làm này rõ ràng không minh bạch với thí sinh”, ThS Phạm Thái Sơn nêu ý kiến.
Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TPHCM, cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết với thí sinh, cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội. Đề án tuyển sinh phải chứa đầy đủ thông tin để làm căn cứ giúp thí sinh lựa chọn trường, ngành nghề. Đồng thời, giúp giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật, cam kết với người học của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh và đào tạo. Điều này được quy định trong Luật Giáo dục ĐH (năm 2018) và trong Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (có hiệu lực từ ngày 13-2-2018).
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhất thiết phải thực hiện việc công khai minh bạch trong bối cảnh tự chủ ĐH; và cần thực hiện đúng, đầy đủ đối với cả cơ sở đào tạo lẫn cơ quan quản lý. Việc công khai nửa vời hoặc làm cho có như hiện nay là hệ quả của việc cơ quan quản lý buông lỏng, xử lý không nghiêm. Đơn cử như kết quả thanh tra, kiểm tra việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu, sai phạm trong tuyển sinh hàng năm không được công khai để xã hội biết là việc làm chưa đúng.