Lấp lánh tình người trong mưa lũ

Ngày 1-11, công tác khắc phục hậu quả sau lũ được người dân và chính quyền tại các địa phương của tỉnh Quảng Bình tích cực triển khai.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tham gia vệ sinh trường học sau lũ tại huyện Lệ Thủy
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tham gia vệ sinh trường học sau lũ tại huyện Lệ Thủy

Đến nay, mới có 36 trường học tại "rốn lũ" huyện Lệ Thủy trở lại dạy học bình thường, vẫn còn 45 trường với 18.255 học sinh phải nghỉ học. Thầy Nguyễn Văn Vững, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy cho biết, do nước ngập khá sâu nên rất nhiều trang thiết bị, dụng cụ học tập bị hư hỏng, nhất là các trường ở khu vực trũng thấp. Nước lũ rút chậm khiến các trường gặp khó khăn trong triển khai dọn dẹp, vệ sinh.

Trong lúc đó, người dân cũng đang tập trung vệ sinh nhà cửa, đường sá. Sau khi dọn dẹp cơ bản bên trong nhà, anh Trần Xuân Thành (37 tuổi, trú thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) lại cùng hàng xóm dọn dẹp lượng lớn bùn ở tuyến đường trước nhà. “May có bộ đội đến dọn cùng dân nên bà con đỡ vất vả. Sắp tới dự báo mưa lớn nên bà con vẫn kê cao đồ đạc để tránh lũ lớn có thể tập kích”, anh Thành nói.

Ngày 1-11, cháu Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 2007, thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) đã trở lại lớp học. Cháu Dũng là người may mắn được cứu sống trong vụ chìm thuyền trong trận lũ vừa qua. Sáng 29-10, mưa lớn, lũ lên nhanh, Dũng chèo thuyền xuống xóm dưới thăm ông nội. Không may gặp lốc, thuyền bị đánh chìm, người dân phát hiện và báo lên xã. Lực lượng phản ứng nhanh cử Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã và Xã đội trưởng đi ứng cứu. Sau gần 4 giờ đồng hồ bấu víu vào lùm cây, Dũng được cứu sống, đưa về gia đình an toàn.

Trong đợt lũ vừa qua, lực lượng cứu hộ của xã Tân Ninh đã vượt đỉnh lũ đưa 3 người đi cấp cứu. Ông Nguyễn Đại Phúc (sinh năm 1957, thôn Nguyệt Áng), đau nằm liệt nhiều năm. Khi nước lũ lên cao, người nhà gọi khẩn cứu, cán bộ xã xuyên đêm vượt lũ đến đưa ông lên trạm xá. Một người nữa là ông Dương Khánh Lộc (sinh năm 1957, thôn Quảng Xá), lên cơn suy tim. Dù trong đêm phải đưa nhiều người di dời nhưng khi nhận tin, đội phản ứng nhanh đã vượt lũ đến chở ông Lộc đi cấp cứu. Trường hợp khác là một cụ ông ở thôn Quảng Xá bị tai biến đã được chở bằng thuyền vượt phá Hạc Hải để cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh.

B7a.jpg
Dân quân xã Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đưa cụ ông Dương Khánh Lộc đi cấp cứu

Thiếu tá Võ Doãn Dũng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngư Thủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Có trường hợp cụ Đỗ Trọng Lực (81 tuổi, thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang), do nước ngập sâu, xuồng không thể chạy nên chúng tôi phải cõng lội bộ trong lũ hơn 2km để đến nơi xe cấp cứu chờ để chuyển cụ về bệnh viện tuyến Trung ương ở Đồng Hới. Nay nghe tin cụ vượt qua được hiểm nghèo, chúng tôi rất mừng”.

Để giúp dân ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy đã huy động 250 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân cùng nhiều phương tiện thực hiện cứu hộ cứu nạn. Thượng tá Trần Văn Ngọc, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy, chia sẻ: “Chỉ riêng ngày 28-10, anh em bộ đội làm việc liên tục từ sáng đến tối mịt để ứng cứu, di dời gần 500 người dân đến nơi an toàn. Mặc dù vất vả vì rét lạnh nhưng ai cũng vui”.

* Ngày 1-11, Bệnh viện Quân y 268 và Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Quân khu 4 cử cán bộ, bác sĩ đến khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão số 6 ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại Quảng Trị, Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) điều động gần 30 cán bộ, chiến sĩ phân chia thành từng tổ đến các khu dân cư ở huyện Vĩnh Linh giúp người dân bị thiệt hại vì mưa lũ thu dọn đồ đạc, sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh, phát quang đường làng ngõ xóm và các tuyến đường giao thông trên địa bàn.

Chiều 1-11, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia phát tin cảnh báo đợt không khí lạnh đang di chuyển xuống miền Bắc và miền Trung, nguy cơ mưa lớn ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thời tiết khu vực Trung bộ đang có dấu hiệu xuất hiện tổ hợp thiên tai nguy hiểm, gồm vùng xoáy thấp ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, không khí lạnh liên tục tăng cường ở phía Bắc xuống, cùng đới gió Đông hoạt động mạnh ở độ cao từ 1.500-5.000m, gây đợt mưa lớn trên diện rộng tại Trung bộ. Đây là hình thái thời tiết gây mưa đặc biệt lớn, nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở đất tại khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, trọng tâm là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục