Chỉ đạo này xuất phát từ thực tế dù đã có hàng loạt giải pháp chấn chỉnh nhưng hoạt động vận tải ở nhiều nơi, nhiều khu vực tại TPHCM vẫn bát nháo.
“Bến cóc” ra ngoại thành
Sau hơn 7 tháng kể từ ngày lệnh cấm xe khách giường nằm lưu thông trong trung tâm TPHCM vào ban ngày (từ 6 giờ đến 22 giờ) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải kinh doanh dịch vụ xe gường nằm đã chuyển hướng dùng xe ghế ngồi, xe trung chuyển để đón khách từ trung tâm đến điểm tập kết có xe gường nằm đậu ở ngoại thành. Hậu quả, khu vực ngoại thành xuất hiện thêm nhiều “bến cóc” mới. Để ghi nhận thực tế, phóng viên Báo SGGP đã đến văn phòng hãng xe Tâm Hạnh (trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) để mua vé tuyến TPHCM - Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận). Nhân viên bán vé sau khi nhận tiền thì hỏi họ, tên hành khách rồi điền vào hợp đồng vận chuyển mà không kiểm chứng thông tin. Theo quy định hiện hành, xe hợp đồng có thể vào nội thành đón theo yêu cầu của khách, còn xe chạy tuyến cố định phải đón, trả khách tại các bến xe. Do đó, nhân viên hãng xe Tâm Hạnh đã làm hợp đồng kiểu “hợp thức hóa” như vậy.
Sau khi ký hợp đồng, phóng viên được hướng dẫn lên chiếc xe khoảng 40 ghế đậu sẵn trước văn phòng. Xe chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường đón khách trước khi dừng lại ở “bến cóc” số 275 đường Liên Phường (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức). Bên trong địa chỉ này có 1 xe khách giường nằm đậu sẵn, chờ sang khách từ xe trung chuyển. Qua quan sát, còn có các DN vận tải khác chạy tuyến TPHCM - Mũi Né cũng dùng xe giường nằm để đón/trả khách tại “bến cóc” này.
Dạo một vòng khu vực TP Thủ Đức, phóng viên còn ghi nhận gần Pháp viện Minh Đăng Quang (đường Mai Chí Thọ) cũng có “bến cóc” phục vụ nhà xe Huỳnh Gia chạy tuyến Nha Trang - TPHCM; nhà xe Nam Hải chạy tuyến Mũi Né - TPHCM. Cách đó không xa, khu đất trống ngay ngã ba đường Mai Chí Thọ - Lương Định Của cũng có “bến cóc” phục vụ các nhà xe chạy tuyến Khánh Hòa - TPHCM như nhà xe Khánh Phong, Phương Nam, Minh Giảng…
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vừa chỉ đạo Sở GTVT xác định rõ các tồn tại, bất cập tình trạng “xe dù”, “bến cóc” để có giải pháp khắc phục, báo cáo Bộ GTVT và UBND TPHCM trước ngày 15-8. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) trong việc thực hiện quy định về trật tự, an toàn giao thông đối với văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đậu, trông giữ phương tiện, bãi đậu xe tạm trên địa bàn.
Không chỉ xe giường nằm, các xe hoạt động tuyến liên tỉnh cố định (quy định chỉ được đón/trả khách tại bến) cũng hoạt động bát nháo lộ trình; hầu hết đón/trả khách dọc đường theo yêu cầu của khách. Đơn cử, nhiều xe 30 ghế chạy tuyến Đồng Nai - TPHCM như Cúc Phương, Kim Mạnh Hùng thường đón/trả khách dọc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… Ngược lại, hướng về Bến xe miền Tây, có những xe 30 chỗ chạy tuyến TPHCM - Tiền Giang như Duy Quý, Minh Tâm, Thảo Châu, Hùng Hiếu… cũng đón/trả khách dọc đường Hồng Bàng (quận 5, 6), Kinh Dương Vương (quận 6 và quận Bình Tân), quốc lộ 1A (quận Bình Tân và huyện Bình Chánh).
Phải đồng bộ giải pháp
Theo đánh giá của nhiều DN vận tải, xe khách giường nằm vào trung tâm thành phố giảm nhưng các xe trung chuyển hoạt động nhiều hơn. “Trung bình, 1 xe khách giường nằm 40 chỗ cần 3 xe trung chuyển. Giảm xe lớn mà tăng xe nhỏ nên tình trạng giao thông vẫn chưa khả quan như kỳ vọng. Do đó, nên chăng cân nhắc lại hoạt động của xe trung chuyển. Chưa kể, DN phải đầu tư xe trung chuyển sẽ tốn thêm chi phí. Việc này vừa tạo gánh nặng cho DN vừa thêm chi phí cho hành khách”, đại diện 1 DN vận tải chia sẻ.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, sau thời gian cấm xe gường nằm vào nội đô ban ngày, tình hình giao thông khu vực nội đô đã thông thoáng, trật tự hơn so với trước. Tuy nhiên, việc phát sinh các “bến cóc” gần các tuyến đường vành đai, đường hành lang đã tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông ở những khu vực này. Vì vậy, sở GTVT đang nghiên cứu đề xuất cấm xe khách giường nằm vào trung tâm 24/24 giờ.
Với góc nhìn của chuyên gia đô thị, TS Ngô Viết Nam Sơn phân tích, xe khách giường nằm có kích thước lớn phải vào bến đón khách là hợp lý. Để thu hút hành khách, DN vận tải phải tổ chức xe trung chuyển cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, mô hình hiệu quả là xe liên tỉnh vào bến và đưa/đón khách ở bến là nhiệm vụ của hệ thống xe buýt. Xe buýt phải phục vụ thường xuyên, liên tục, rộng khắp các khu vực của thành phố với giá thành phù hợp. Tuy nhiên, hiện hệ thống giao thông công cộng của TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế như khoảng 20 giờ đã nghỉ và đến 4 giờ mới hoạt động lại, hành khách muốn đi/đến bến xe chỉ có thể dùng taxi với giá khá cao.
“Do đó, để lập lại trật tự vận tải cần nghiên cứu đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ cho xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch mà cả xe buýt. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu… các xe liên tỉnh chỉ vào bến xe đón/trả khách và xe buýt hoạt động 24/24 giờ để đưa đón vào trung tâm miễn phí”, TS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.
Phải có giải pháp khắc phục tình trạng “xe dù”, “bến cóc”
Ngày 28-7, Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GTVT có giải pháp khắc phục tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép… đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
Để chấm dứt tình trạng vi phạm, tạo môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của các sở GTVT trong việc kiểm soát tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định; nêu rõ tồn tại và giải pháp khắc phục; báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT trước ngày 15-8.
Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT tập trung kiểm tra đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô có văn phòng đại diện tại TP Hà Nội, TPHCM; các phương tiện hoạt động thường xuyên kết nối với địa bàn thuộc TP Hà Nội, TPHCM, xác định qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô. Việc kiểm tra, xử lý hoàn thành trong tháng 10, báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT trước ngày 15-11.
MINH DUY
Tổng kiểm soát xe ô tô vận tải ở TPHCM
Ngày 3-8, Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, đơn vị thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container, từ ngày 1-8 đến 15-10.
Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng PC08, cho biết, đợt này lực lượng tập trung các hành vi vi phạm quy tắc giao thông, điều kiện người điều khiển phương tiện và phương tiện, như nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, chở hàng quá khổ, quá tải; vi phạm tốc độ; dừng đậu, đón/trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định…
Cùng ngày, Công an quận 5 (TPHCM) tổ chức treo hàng loạt biển hiệu, băng rôn tuyên truyền an toàn giao thông… trên các tuyến đường ở địa bàn.
CHÍ THẠCH
Giám sát hành trình của xe khách
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức), để DN vận tải vào bến, đón/trả khách đúng nơi quy định thì ngành chức năng phải đảm bảo tổ chức dịch vụ trung chuyển từ trung tâm, quận huyện đến các bến xe đầu mối một cách thuận tiện, chi phí hợp lý. Nên chăng, có giá vé xe buýt ưu đãi cho khách đi/đến bến xe khách liên tỉnh.
Thay vì cấm xe khách giường nằm và xe khách liên tỉnh “trá hình” xe du lịch và xe hợp đồng vào trung tâm, TPHCM có thể dùng giải pháp căn cơ hơn là xin truyền dữ liệu hành trình của DN từ Bộ GTVT để phân tích, tìm ra xe khách hoạt động không đúng quy định.
THANH HẢI