Lập lại trật tự, an toàn giao thông

Nhân dịp lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh thành trên cả nước tiến hành tháng cao điểm kiểm tra lập lại trật tự, an toàn giao thông, nhiều bạn đọc đã nêu thêm ý kiến về vấn đề này.

Chấm dứt lối đi lại tùy tiện

Khi xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, chúng ta thường phê phán, lên án sự thiếu ý thức của người điều khiển các phương tiện giao thông xem thường tính mạng con người. Thế nhưng, thực tế cũng có nhiều vụ TNGT có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức của người đi bộ.

Nhiều người đi bộ hết sức tùy tiện, đi bộ dưới lòng đường trong khi vỉa hè thông thoáng, thậm chí có nhiều người còn thản nhiên dàn hàng ngang đi bộ dưới lòng đường. Có người đang đi trên đường bỗng nhiên băng ngang qua đường chứ không băng ở nơi có vạch cho khách bộ hành, hoặc leo qua dải phân cách cao cả mét để qua bên kia đường dù xe cộ cả 2 chiều đang tấp nập. Thậm chí có người còn vác cả xe đạp qua đường cho nhanh tại các đoạn quốc lộ nhiều xe tải, xe container chạy với tốc độ rất nhanh, khuất tầm nhìn.

Lập lại trật tự, an toàn giao thông ảnh 1 Xe bán rong ra làn ô tô trên quốc lộ 1A (đoạn qua xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) để chèo kéo bán hàng, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Hãy chấm dứt thói quen đi lại tùy tiện như hiện nay, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đi đúng làn đường. Xử phạt những người đi bộ không đúng luật cũng là cách giảm thiểu TNGT.

NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)

Giải quyết những bất cập về giao thông

Tôi xin đề xuất một số giải pháp ưu tiên xử lý để giải quyết những bất cập về giao thông. Trước hết, cần khảo sát để điều chỉnh lại đèn tín hiệu tại tất cả các nút giao thông với yêu cầu không tạo xung đột tại giao lộ (không có phương tiện cản trở hướng di chuyển của phương tiện được phép lưu thông theo đèn tín hiệu).

Ngoài ra, tại các vòng xoay cũng nên lắp đặt đèn tín hiệu để điều tiết giao thông cho phù hợp, không gây xung đột giao thông. Nên quy định với các tuyến đường chỉ có 2 làn đường mỗi bên thì ô tô không được phép vượt hoặc đi song song (trừ xe ưu tiên và xe buýt), đặt camera quan sát tại các khu vực này và xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hạn chế ô tô cá nhân (trừ xe ưu tiên, xe công vụ và các phương tiện công cộng như buýt, taxi) lưu thông vào trung tâm và các khu vực thường xuyên kẹt xe trong một số thời gian nhất định trong ngày (6 giờ 30 - 9 giờ và 16 giờ - 19 giờ). Việc hạn chế xe máy nên có lộ trình theo hướng hạn chế dần từ các quận trung tâm, phù hợp với sự đáp ứng của phương tiện công cộng, chứ không nên áp đặt hạn chế một cách duy ý chí.

Cần tăng cường sự hiện diện của lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực thường xuyên kẹt xe, nhất là thời gian cao điểm, để xử lý kịp thời các tình huống và tránh ùn ứ không đáng có.

BÙI QUỐC HỒNG (Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM)

Ý thức trách nhiệm khi lái xe

Ai cũng hiểu, trách nhiệm của tài xế rất lớn, họ nắm sinh mạng của những hành khách trên xe và mọi người trên đường. Nhưng thực tế lại có những tài xế bất chấp tất cả, lái xe sau khi đã uống rượu bia, thậm chí sử dụng ma túy đá. Nhiều tài xế cho biết do áp lực công việc nên phải sử dụng nhiều nước tăng lực, hút thuốc liên tục, dùng ma túy trong khi lái xe để chống chọi cơn buồn ngủ, quên đi mệt mỏi, uể oải... Đó là giải pháp không đúng.

Ngày nay, công việc lái xe không phải là nghề khó tìm việc; do vậy, nếu phải làm ở nơi không thực hiện theo đúng hợp đồng lao động, bóc lột sức lao động, thì tài xế nên nghỉ việc để làm nơi khác phù hợp.

Khi học lấy giấy phép lái xe, học viên cũng được giáo viên dặn dò phải có trách nhiệm với mọi người khi ngồi sau tay lái. Nếu thấy không làm tròn trách nhiệm của một bác tài đúng nghĩa thì nên bỏ nghề là hơn. Đừng để gây ra tai nạn rồi ăn năn hối cải, lúc đó đã quá muộn màng.

TRẦN THÁI HỌC (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre)

Tin cùng chuyên mục