Thành quả tiêm chủng bị đe dọa
PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động lên hệ thống y tế các quốc gia và làm giảm nhu cầu tiêm ngừa do yêu cầu hạn chế tiếp xúc gần trong cộng đồng.
“Cả thế giới quay cuồng trong vòng xoáy đại dịch. Phần lớn nguồn lực xã hội, Nhà nước đều dồn cho phòng chống Covid-19, khiến nguồn lực cho tiêm chủng bị hạn chế. Cùng với đó, việc trì hoãn tiêm chủng phần lớn còn xuất phát từ phụ huynh, họ lo ngại lây nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế, không đưa con đi tiêm chủng đúng lịch. Nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vaccine để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng năm nay giảm khoảng 10% so với năm ngoái, có nguy cơ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hệ thống y tế”, PGS-TS Trần Ngọc Hữu thông tin.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo, việc gián đoạn tiêm ngừa là nguy cơ làm gia tăng số trẻ mắc các loại bệnh, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, thủy đậu, rubella...), gây ra gánh nặng kép bên cạnh dịch Covid-19.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, báo cáo mới nhất từ Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy, tối thiểu 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi ở 68 quốc gia đang có nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi và bại liệt do các chương trình tiêm chủng đang bị gián đoạn vì Covid-19. Nếu không được tiêm chủng, tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn so với lịch khuyến cáo, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Điều này đe dọa đến thành tựu của toàn nhân loại, trong nhiều năm nỗ lực chống lại các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Cần tuân thủ lịch tiêm vaccine
Theo PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nhiều năm qua, nhờ có vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm đã bị xóa sổ. Cụ thể, năm 1980, thế giới đã xóa sổ hoàn toàn được bệnh đậu mùa nhờ chương trình tiêm chủng toàn cầu. Miễn dịch cộng đồng được thiết lập thành công. Đến nay, thế hệ trẻ không còn ai phải mang vết sẹo lớn trên vai vì tiêm vaccine đậu mùa. Thành tựu hơn 30 năm thanh toán bại liệt cũng có công lớn của vaccine. Năm 1988, 125 quốc gia xuất hiện dịch bại liệt và mỗi năm hơn 350.000 trẻ bị liệt suốt đời, khi chưa có vaccine. Sau 32 năm có vaccine ngừa bệnh, hiện chỉ còn 2 quốc gia xuất hiện virus bại liệt hoang dại là Pakistan và Afghanistan. Số ca bại liệt toàn cầu giảm đến 99,9%. Riêng Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine để tiêm đủ mũi, đủ liều và đúng lịch trình. Đặc biệt, cần lưu ý các mốc tiêm chủng quan trọng cho các đối tượng đặc biệt nhạy cảm như trẻ em, bao gồm: 12 tháng đầu đời là giai đoạn quan trọng khi trẻ được tiêm hầu hết các mũi vaccine cơ bản cần thiết; năm tuổi thứ 2 đến trước 4 tuổi là giai đoạn hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch; tuổi tiền học đường là giai đoạn quan trọng tiếp theo củng cố miễn dịch, nhằm bảo vệ cho trẻ trước khi bước vào môi trường mới. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng, do không có miễn dịch bảo vệ.
“Trong quá trình thực hiện tiêm chủng, thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Điều này càng cho thấy, nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.
Đồng thời lưu ý, người lớn và người già vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe từ các bệnh lây nhiễm nếu không được tiêm phòng các bệnh cần thiết như cúm mùa, thủy đậu, bệnh do phế cầu… Một số bệnh như cúm mùa, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các hệ lụy không ngờ đến là đau tim và đột quỵ.
Tiêm ngừa vaccine được chứng minh là phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh. Khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Việt Nam trong nhiều năm qua đã triển khai tốt và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp từ chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đến hàng ngàn lần so với thời kỳ trước. |