Quan điểm này được dư luận hết sức quan tâm. Bởi, hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, cả nước chịu nhiều tổn thất nặng nề về sức khỏe, tính mạng nhân dân và nguồn lực quốc gia. Vì vậy, kỳ vọng vào một ngày không xa đại dịch được ngăn chặn hoặc như một căn bệnh đặc hữu, bệnh thông thường ít nguy hiểm cho con người là ước mơ không chỉ riêng ai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, để Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu, các chuyên gia dịch tễ cho rằng còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy.
Dù có nhiều cách định nghĩa về bệnh đặc hữu (endemic diseases), nhưng chung quy lại, bệnh dịch được coi là đặc hữu khi sự xuất hiện một cách ổn định hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Dịch được coi là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành khi đạt một số tiêu chí cụ thể: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. Khi xem Covid-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem Covid-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong…
Nhiều chuyên gia y tế nhận định, mức độ nguy hiểm của đại dịch, an toàn sức khỏe, tính mạng con người trước sự tấn công của virus không đơn giản là thay đổi tên gọi dịch bệnh ấy, mà nó là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện về năng lực hệ thống y tế gồm sự hiện đại của trang thiết bị, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực, độ bền vững của hệ miễn dịch do vaccine mang lại cho cộng đồng và ý thức phòng chống dịch của người dân. Vì vậy, ý kiến của Thủ tướng cần được hiểu như một sự kỳ vọng và chỉ được thực hiện sau quá trình đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước và nghiên cứu một cách khoa học, trách nhiệm, kinh nghiệm quốc tế nhất là với các nước có nhiều kinh nghiệm điều trị.
Covid-19 là bệnh mới xuất hiện, với những rủi ro chưa thể đánh giá hết, không ai dám chắc những thiệt hại do Covid-19 gây ra đã dừng lại. 2 năm trước, ngày 11-3-2020, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 38 trường hợp F0, chủ yếu là những người Việt Nam nhập cảnh từ Anh. Một năm sau, ngày 11-3-2021, cả nước ghi nhận 2.526 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 1.585 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tính đến 27-3, sau hơn 2 năm Việt Nam có hơn 8,9 triệu ca mắc, đứng thứ 13/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những ngày gần đây, số ca F0 trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có xu hướng giảm nhưng chưa sâu, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận, số liệu ấy chưa phản ánh đúng thực tế lây nhiễm khi biến thể Omicron được coi là đang phổ biến ở thời điểm này.
Mặc dù, có thời điểm cả nước ghi nhận gần 180.000 ca mắc Covid-19, ở nhiều tỉnh thành, số ca mắc xuất hiện đến 5 con số, nhưng chúng ta không áp dụng biện pháp đóng cửa. Từ chỗ hốt hoảng, lo sợ và bị động trong cách xử trí ca mắc Covid-19 chúng ta dần bình tĩnh, đón nhận, chủ động các biện pháp ứng phó, tập trung nguồn lực cứu chữa cho nhóm bệnh nhân nặng, đối tượng nguy cơ. Kết quả này có được nhờ việc bao phủ vaccine trên diện rộng và những bài học kinh nghiệm rút ra suốt 4 đợt dịch vừa qua. Để Covid-19 từ đại dịch trở thành bệnh đặc hữu cần có thời gian để những khoảng trống phòng chống dịch được lấp đầy. Bởi, dù gọi bằng tên gì thì mục tiêu cao nhất của việc phòng chống dịch vẫn là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.