Trong Báo cáo công tác gửi tới Quốc hội, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong 6 tháng qua, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự với 43.974 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 98,4%.
Toà án cấp sơ thẩm cũng ra quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với 36.937 phạm nhân do cải tạo tốt; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù đối với 2.918 phạm nhân.
Báo cáo nhận định, việc ra các quyết định thi hành án hình sự nhìn chung đảm bảo kịp thời, việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù… đều có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, Chánh án TANDTC khẳng định, việc ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, đã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Riêng việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Báo cáo cho biết, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết trong kỳ báo cáo là 12.670 đơn/vụ. Đã giải quyết được 3.958 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 31,24%.
Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013; Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 và Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, TANDTC đã tập trung chỉ đạo giải quyết đối với các đơn kêu oan. Hiện chỉ còn 2 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình hiện đang được xem xét, giải quyết. Trong đó 1 trường hợp đang chờ ý kiến cùa liên ngành Tư pháp Trung ương; 1 trường hợp do Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị và hiện đang thành lập đoàn liên ngành để tiến hành xác minh.
Bản Báo cáo thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân nói chung và các Tòa án nhân dân cấp cao nói riêng đạt tỷ lệ chưa cao so với yêu cầu đặt ra mà một nguyên nhân quan trọng là số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên để bố trí cho các Tòa án nhân dân cấp cao còn thiếu so với nhu cầu công việc.
Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm cùa mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số Thẩm phán, công chức Toà án thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên có vi phạm và hiệu quả công tác chưa tốt…