Lập đoàn liên ngành điều tra vụ phá rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng
SGGPO
Ngày 16-3 ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã ký quyết định thành lập đoàn liên ngành điều tra vụ phá rừng vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.
Lán trại lâm tặc dựng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng
Theo ông Ngân, đoàn liên ngành gồm Công an huyện Bố Trạch, Viện Kiểm sát huyện Bố Trạch, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Bình, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Về thông tin Bộ đội biên phòng sẽ điều tra độc lập, một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, theo báo cáo của Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khu vực rừng bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng và thuộc khu vực biên giới do đồn biên phòng Cồn Roàng quản lý nên không thể có điều tra độc lập mà phải lập đoàn liên ngành điều tra, có kiểm tra chéo, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, không bỏ lọt, bao che, sai trái. Trách nhiệm của lực lượng nào sẽ xử lý trách nhiệm của lực lượng ấy.
Cùng ngày, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết đã ban hành văn bản số 1508CV/VPTU truyền đạt ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật vụ phá rừng di sản. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30-3.
Gỗ mun quý hiếm ở vùng bảo vệ nghiêm ngặt bị chặt hạ
Như Báo SGGP phản ánh, tại vùng lõi di sản Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc vùng biên giới Việt - Lào thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, có 2 khu vực rừng nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bị lâm tặc triệt hạ.
Tại các khoảnh 5, 7, 8, 9 thuộc tiểu khu 650, có 42 cây gỗ đã bị chặt hạ với khối lượng giám định được lên tới 46,402m3. Trong đó, có 26 cây mun sọc (loại cây gỗ quý hiếm thuộc Nhóm IIA, đang bị đe dọa tuyệt chủng) với khối lượng 27,006m3 đã bị triệt hạ, cưa xẻ để lấy gỗ. Ngoài ra, lâm tặc còn khai thác trái phép nhiều loại gỗ khác như: táu, trâm, trơng, bài lài, lội, bộp, thông nàng… với khối lượng 19,396m3. Tại tiểu khu nói trên, lâm tặc đã ngang nhiên lập lán trại trong rừng để nấu ăn và sinh hoạt.
Tại các khoảnh 13, 14 của tiểu khu 649, 24 cây gỗ đã bị khai thác với khối lượng 23,878m3. Trong số này, có 19 cây mun sọc, khối lượng 18,983m3 và các loại cây gỗ khác như: táu, trường vải… với khối lượng 4,895m3. Ở những nơi rừng bị triệt hạ, dấu vết để lại là những bãi cành, ngọn, mạt cưa, bìa (phần vỏ bên ngoài), vỏ chai nước… nằm ngổn ngang giữa rừng sâu.