Khi mạng xã hội phát triển, nhiều người có thu nhập khủng nhờ các clip ăn uống thu hút người xem nên Mukbang nhanh chóng lan sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trước đây, trong các Mukbang, BJ thể hiện việc ăn uống khá từ tốn, vừa ăn vừa miêu tả kỹ lưỡng mùi vị của thức ăn, từ đó người xem như được trải nghiệm những món mà họ chưa có cơ hội thưởng thức. Còn hiện nay, các BJ bắt đầu chạy theo yếu tố câu view, cách ăn uống thiếu tế nhị, những món ăn thì được sử dụng sản phẩm khá đắt đỏ và điểm nhấn là luôn được chế biến với phiên bản “siêu to khổng lồ”.
Lãng phí, thiếu khoa học và không lịch sự là những gì mà nhiều người nhận xét về các clip Mukbang. Chị Hà, mẹ bé Ngân, lo lắng khi con gái thường xuyên xem những clip trên rồi bắt chước ăn uống vô tội vạ. Đã có những lúc bé Ngân cố tình ăn uống phát ra tiếng thật mạnh để “thẩm định” độ tươi, giòn của thức ăn - như những BJ trong clip thường miêu tả. Ngân còn khoe, có cậu bạn cùng học bắt chước một clip của Thái Lan ăn hẳn một dĩa mì Ý trộn ớt, xém phải đi cấp cứu vì phỏng cay.
Lý giải sức hút của các clip Mukbang, một số người làm trong lĩnh vực marketing cho biết, những BJ đánh vào tâm lý tò mò của người xem. Họ thường là những cô gái, chàng trai trẻ, có vóc dáng cân đối nhưng trong clip, họ thể hiện khả năng ăn uống quá sức tưởng tượng, thậm chí là ăn rất nhiều món một cách ngon lành. Người xem ban đầu tò mò xem họ có ăn hết không, rồi sau đó bị thu hút bởi những thực phẩm lạ, đã mắt…
Trên nhiều diễn đàn, có thông tin các BJ không ăn thực sự mà chỉ nhai rồi nhả đồ ăn ra nên không mấy ảnh hưởng đến vóc dáng của họ. Song, ăn thật, giả vờ ăn hay dù là chiêu trò gì đi chăng nữa, việc ăn uống thiếu khoa học, lãng phí, cách thưởng thức đi ngược với văn minh như vậy cũng nên nhìn nhận lại xem liệu những clip trên có xứng đáng tồn tại?!