Theo đó, ngay trong đêm 21-7, một ê kíp gồm 21 y bác sĩ ở Bệnh viện Nhân Ái (đơn vị thuộc Sở Y tế TPHCM, đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước) đã đến Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (đơn vị thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM, đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương) và lập bệnh viện dã chiến tại đây.
Trong 587 người mắc Covid-19 có 514 học viên cai nghiện và 73 nhân viên của cơ sở.
Trước đó, lúc 21 giờ ngày 17-7, tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá có 2 nhân viên y tế có biểu hiện sốt, ho. Ban Giám đốc cho test nhanh và có kết quả dương tính Covid-19.
Sáng 18-7, Cơ sở liên hệ với y tế địa phương của huyện Phú Giáo test toàn bộ 607 người cai nghiện ở đây và 82 nhân viên, kết quả đến 15 giờ ngày 20-7, bước đầu ghi nhận có 450/607 học viên cai nghiện dương tính với SARS-CoV-2, 157 âm tính. Với nhân viên có 56/82 dương tính.
Trong ngày 20 và 21-7, Ban giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với ngành y tế huyện Phú Giáo phân loại 450 người cai nghiện ma túy đưa vào 4 khu để quản lý, còn 56 nhân viên ở một khu. Trong đó 26 nhân viên có kết quả xét nghiệm âm tính phục vụ cho 157 học viên có kết quả xét nghiệm âm tính. Các nhân viên dương tính phục vụ cho các học viên cai nghiện dương tính.
Hiện cơ sở đang cách ly, khoanh vùng người nhiễm, Sở Y tế TPHCM trong đêm nay và sáng mai sẽ cử bác sĩ đến dây để sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc, chữa bệnh cho các người nhiễm ở đây. Nếu người cai nghiện chuyển nặng sẽ chuyển lên Bệnh viện Nhân Ái ở tỉnh Bình Phước. Nhân viên nếu bệnh nặng thì chuyển về tỉnh Bình Dương hoặc huyện Củ Chi.
Ông Lê Minh Tấn cho biết đã tăng tiêu chuẩn bữa ăn mỗi ngày lên 80.000 đồng/người để tăng sức đề kháng cho người mắc Covid-19 tại đây. Rút kinh nghiệm của Bố Lá, các cơ sở khác do Sở quản lý nghiêm ngặt bằng cách cấm trại, không cho nhân viên trực tiếp chăm sóc học viên cai nghiện ra về mà phải ở lại cơ sở đến khi hết thời hạn giãn cách xã hội.
“Các y bác sĩ đều có nhiều kinh nghiệm làm việc với cơ sở cai nghiện ma túy. Chúng tôi tin tưởng tình hình tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá sẽ sớm ổn định trở lại”, ông Lê Minh Tấn nói.