Lắp 3 camera theo dõi, xử lý phương tiện vi phạm lệnh cấm qua cầu Long Biên
SGGPO
Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã lắp 3 camera trên cầu Long Biên để theo dõi trạng thái của cầu, đồng thời phát hiện những vi phạm.
Toạ đàm “Ứng xử thế nào với cầu Long Biên” vừa được tổ chức sáng nay, 8-6, tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện Bộ GTVT, TP Hà Nội và nhà sử học Dương Trung Quốc.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cầu Long Biên đã được đề xuất, trong khi chờ một phương án tổng thể hơn nhằm bảo tồn cây cầu trăm tuổi này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, cây cầu Long Biên không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, cần quản lý khai thác phù hợp để bảo tồn.
Vấn đề bảo đảm an toàn cho cây cầu này càng trở nên cấp thiết khi trong tháng 5 vừa qua đã liên tiếp xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông.
Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên, để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm ô tô, cấm xe máy thồ, xe đạp thồ lưu thông qua cầu từ 5 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng vi phạm biển cấm vẫn xảy ra.
Mới đây nhất, đơn vị quản lý đã tổ chức theo dõi, kiểm đếm phương tiện qua cầu Long Biên. Kết quả cho thấy, chỉ tính riêng từ 14 giờ đến 20 giờ ngày 30-5, đã phát hiện có 150 xe ba gác, xe thồ chở năng đi qua cầu. Bên cạnh đó, tình trạng người dân họp chợ trên cầu vẫn tái diễn, dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân, xử lý.
Hiện Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã lắp 3 camera trên cầu để theo dõi trạng thái của cầu, đồng thời phát hiện những vi phạm trên cầu. Đơn vị sẽ thực hiện trích xuất camera hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, CSGT Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội.
Công ty CP Đường sắt Hà Hải đề xuất, trong thời gian tới, cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng ô tô, xe lam đi qua cầu gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu Long Biên.
Công ty CP Đường sắt Hà Hải đang bố trí 50 nhân viên chia làm 5 tổ phục vụ công tác quản lý, duy tu cầu Long Biên, trong đó có 1 tổ làm nhiệm vụ tuần đường, 1 tổ bảo vệ cầu và 3 tổ duy tu. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/h (trước đây là 25-30km/h).
Về kinh phí bảo trì cầu Long Biên, năm 2022, Bộ GTVT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao 9,7 tỷ đồng cho Công ty CP Đường sắt Hà Hải, trong đó phần duy tu đường sắt hơn 7 tỷ đồng, phần bảo vệ, tuần cầu đảm bảo ATGT 1,3 tỷ đồng và phần đường bộ 400 triệu đồng... Tuy nhiên, số kinh phí này chỉ đáp ứng được 35-40% so với yêu cầu.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khắc phục ngay những hư hỏng, đồng thời kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa.
Trước mắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thiết kế hệ dầm đỡ tấm đan, không để xảy ra tình trạng thủng tấm đan tái diễn. Tuy nhiên, số lượng tấm đan của cây cầu này rất lớn, lên tới gần 10.000 tấm đan.
Ngay trong năm 2022, Bộ GTVT sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ. Đại diện Bộ GTVT khẳng định, cây cầu vẫn đảm bảo an toàn cho giao thông đường sắt, đường bộ, bởi các yêu cầu kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Về lâu dài, cây cầu này cần có dự án tổng thể để gia cố nâng cấp chứ không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại.
Thông tin từ đại diện TP Hà Nội cho biết, thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên nữa, chỉ còn tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Hiện Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng với cầu Long Biên.