
Trình độ văn hóa lớp 7 trường làng, hành trang thế thật chẳng bõ bèn gì giữa thời buổi “kỹ thuật số” hiện nay, nói gì đến việc làm chuyện này việc nọ. Ấy thế mà ông nông dân Nguyễn Văn Sành ở thôn Thượng Dương (xã Nam Trung huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương) lại chế tạo được chiếc máy đa năng để bóc vỏ, tách và thái những củ hành, củ tỏi thành miếng đều tăm tắp và bán cả ra nước ngoài, thu về hàng xấp đô-la.
Xót vợ, thương con mà thành… nhà sáng chế
Hỏi thăm mấy bận, đi ngoắt ngoéo một thôi đường đất bụi mù, tôi mới tìm được xưởng sản xuất của ông Sành để rồi... thất vọng. Cơ ngơi của nhà sáng chế gì mà chỉ là ngôi nhà cấp 4 thấp tè, cũ nát giữa cánh đồng ào ạt gió; đảo mắt khắp chốn cùng nơi mà tôi cũng chỉ thấy mấy cái búa, cái kìm, một cái mỏ hàn, đống sắt rỉ và ít tôn vụn chứ tịnh không có lấy một dấu hiệu nào của khoa học công nghệ.

Nhà sáng chế chân đất Nguyễn Văn Sành tự hào với đứa con tinh thần của mình. Ảnh: QUỲNH DƯƠNG
Chủ nhân “lâu đài” kỳ lạ ấy năm nay 56 tuổi, người nhỏ thó, gương mặt sạm đen vì muội than, vì khói lò và trông cũ kỹ - nét cũ kỹ đặc trưng của cánh thợ rèn - may kéo lại được cái tác phong nhanh nhẹn, cặp mắt tinh anh và nụ cười thân thiện. Nghe khách hỏi về máy thái hành tỏi, ông cười khà khà, khoe hàm răng vàng khè vì khói thuốc: “Có quái gì đâu, xót vợ, thương con phải làm lụng vất vả nên tớ chế ra máy. Rồi dân làng thấy nó ngon quá, bèn đến đặt hàng. Ừ thì làm, thế là tớ thành nhà sáng chế!”.
Nghề sơ chế hành, tỏi bắt đầu phát triển ở xã Nam Trung từ năm 1986. Có thời, cả xã, từ ông chủ tịch đến người dân thường, suốt ngày lúi húi bóc, thái, sấy hành tỏi, nước mắt nước mũi giàn giụa vì hơi cay, lưng, gối mỏi nhừ. Cặm cụi quanh năm suốt tháng mà thu nhập chẳng bõ bèn gì. Một thợ loại siêu mỗi ngày làm cật lực cũng chỉ bóc vỏ được khoảng 17kg, thái được chừng 10kg; làm quần quật suốt từ lúc tinh mơ đến khi trời đất tối thui mà cũng chỉ kiếm được có mấy đồng bạc vụn.
Ít học, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng ông Sành ham mày mò lắm, lúc nào cũng nghĩ đến những máy cùng móc. Thấy vợ con khổ sở quá, cắm mặt, gò lưng bóc bóc, thái thái suốt ngày mà nghèo vẫn hoàn nghèo, ông nghĩ “phải có cái máy thì họa chăng mới hết khổ”. Nghĩ vậy, ông cắp tráp lên phố tầm sư học rèn suốt 3 tháng trời rồi về cất mái lều mãi tận rìa làng, giam mình trong đó hết đập, cắt rồi đến hàn, gò với đống sắt vụn, tôn vụn.
Tiếng búa chí chát, tiếng lửa lò thổi khò khò vang lên suốt ngày trong lều. Sau hơn một tháng mày mò, chiếc máy sập ra đời. Củ hành, củ tỏi sau khi bóc vỏ, rửa sạch, đặt vào thớt máy, lấy tay kéo cần “sập” một cái thành 12 miếng. Thành công rồi! Ông thưởng cho mình bằng những cú đấm bình bịch vào lồng ngực. Từ khi có máy, năng suất lao động của gia đình ông tăng lên rõ rệt. Thấy vậy, bà con chòm xóm nô nức kéo đến xếp hàng xin mua.
Được hơn một vụ, khách hàng yêu cầu miếng hành, tỏi phải được thái mỏng hơn. Ông Sành lại lụi cụi chỉnh sửa chế ra máy cầu lia. Củ hành, củ tỏi đã được thái thành những miếng mỏng hơn nhưng khách vẫn chưa ưng vì các miếng chưa đều nhau, lại khi ngang, lúc dọc, không đẹp mắt. Ông cũng chưa thật ưng bụng vì máy của mình còn hoạt động bán thủ công, năng suất chưa đạt như mong muốn.
“Giặc Mỹ gian manh thế mà ta còn đánh thắng, “lũ giặc” sắt thép vớ vẩn này là cái quái gì!” Quyết tâm vậy, ông Sành lại vắt óc suy nghĩ, viết, vẽ chằng chịt kín mấy cuốn vở học trò rồi điều khiển đội quân sắt vụn hết theo chiến thuật này đến kế sách khác. Ông quyết tâm làm cho bằng được cái máy cắt hành tỏi thật đều, thậm chí điều chỉnh được các miếng cắt thành nhiều kích cỡ, hình thù theo ý muốn.
Vợ ông kể: “Lắm lúc lão như người mất hồn, đang đêm vùng dậy, vơ lấy giấy bút rồi cắm cúi ngồi kẻ kẻ, chép chép”. Sau hơn một năm mất ăn, mất ngủ, chiếc máy của ông Sành ra đời trong sự hoan hỉ của dân làng. Máy có lắp bơm nước (sẵn có trong các gia đình) làm mô-tơ.
Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản: mô tơ chạy, kéo dây cu-roa quay giúp máy hoạt động làm ba lưỡi dao trong máy quay tít mù. Hành, tỏi sau khi rửa sạch, đổ vào máy, được bóc vỏ bằng một lưỡi dao ở cửa ải trên rồi trôi xuống để hai lưỡi dao ở dưới thái chúng theo chiều dọc, thành những miếng đều tăm tắp và không hề bị vỡ. Tốc độ thái của máy nhanh chóng mặt: gần 5,5 tạ hành, tỏi/ngày, bằng năng suất của 20 người làm việc cật lực theo hình thức thủ công. “Máy thái hành, tỏi định hình” đã ưu việt mà lại chỉ bán có 700.000 đồng/chiếc nên dân làng háo hức đến xin mua.
Sáng tạo không ngừng
Sau ba lần cải tiến, hiện nay, chiếc máy của ông Sành đã không những thái được hành, tỏi thành những miếng đều tăm tắp với tốc độ rất nhanh mà còn thái được theo nhiều hình thù khác nhau: hình răng cưa, hình hoa, hình con thú, hình trái tim... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Không dừng lại ở đó, kỹ sư chân đất Nguyễn Văn Sành còn mày mò cải tiến để không chỉ thái hành, tỏi phục vụ việc làm ăn của nhân dân trong xã ngoài làng mà “chiếc máy ước mơ” này còn thái được hầu hết các loại hoa quả và nông sản: xu hào, cà rốt, bí đao, bí ngô...
Hơn 1.000 đơn đặt hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, TP Hồ Chí Minh... tới tấp bay về. Trung bình cứ 2 ngày, ông Sành hoàn tất một máy để kịp giao cho khách. Ngày nay, nhiều chiếc máy thái nông sản của ông Sành đã được đặt trang trọng nơi nhà bếp của những khách sạn hạng 4-5 sao trong khi chủ nhân của chúng thì chưa một lần bước chân vô chốn sang trọng ấy.
Không những thế, chiếc máy đơn giản mà hiệu quả của ông Sành còn từ làng quê hẻo lánh Thượng Dương bay sang tận Trung Quốc - quốc gia rất mạnh trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp. 20 chiếc máy của chuyến hàng đầu tiên đã chinh phục hoàn toàn những bạn hàng khó tính bên đó nhờ sự gọn nhẹ, tiện dụng và hiệu quả.
Năm 2004, công trình “Máy thái hành, tỏi định hình” của nhà sáng chế chân đất Nguyễn Văn Sành đã gây ngỡ ngàng cho các nhà khoa học khi được trao giải ba cuộc thi sáng tạo Khoa học - Công nghệ tỉnh Hải Dương và giải khuyến khích của “Giải thưởng Khoa học - Công nghệ toàn quốc (Vifotec)”. Năm nay, đứa con tinh thần của ông nông dân ít học này cũng đã lọt vào tới vòng chung khảo “Giải thưởng 15 năm Khoa học - Công nghệ quốc gia”.
Từ một người nông dân ít chữ do xót vợ, thương con và đồng cảm với nỗi gian khó mưu sinh của dân làng mà mày mò tự học để thành nhà sáng chế, ông Sành thành “người hùng” của làng, của xã…
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG