Giếng nước “khủng” này có diện tích đến 1.000m2, sâu 10m, bề rộng mặt hồ đến 25m, đáy diện tiếp nước đến 15m. Gọi giếng nước nhưng trông như bể chứa rộng lớn, lại gặp được mạch nước ngầm nên nước trong giếng lên khoảng 2m.
Ông Ngô Tài, người nghĩ ra cách đào giếng nước này đã cảm thấy ông rất may mắn vì giữa lúc hạn hán đã gặp được mạch nước ngầm.
Mảnh vườn 2,2ha của ông Tài như được “cứu sống”, ông bắt đầu trồng cây từ năm 2015, đến nay trên đất này đã có 400 cây tiêu, 70 cây sầu riêng, 80 cây bưởi da xanh và 0,7ha cây bơ. Ông kể: “Chỉ hơn tháng trước, những cây bơ đã ra hoa, tôi tưởng sẽ kết trái nhưng rồi hoa bắt đầu rụng, lá cũng úa dần nhưng bơ không ra trái vì thiếu nước tưới. Thế là vụ bơ đã thất thu hoàn toàn. Các cây trồng khác cũng héo dần, rũ lá”.
Ông Tài trước đó cũng đã đào 2 cái giếng đào, 4 cái giếng khoan, cạn nhất là 70m, khoan sâu nhất là 105m, nhưng vẫn không có nước tưới cho cây. Cách nhà ông khoảng 4-5km có một con suối, nhưng giữa lúc nắng nóng, hạn hán thì suối cũng sẽ cạn, việc đưa nước từ suối về là không thể thực hiện. “Nắng nóng này nếu tôi chỉ dùng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước thì chỉ đủ ướt mặt đất chứ không đủ cho cây trồng. Nên tôi phải nghĩ cách khác” - ông nói.
Ông Tài cho biết: “Hơn 2,2ha diện tích đất trồng cây của tôi đã được cứu, từ đây, mùa bơ, hạt tiêu đang ra hạt sẽ có nước tưới đầy đủ”.
Ông Tài đang tiến hành xây tường rào quanh giếng nước này. Ít nhất giếng nước “khủng” này chi phí khoảng 50 triệu đồng. Ông Tài nói: “Mỗi cái giếng khoan, giếng đào cũng tốn 20 triệu, cái giếng khủng này có thể mang lại nguồn nước như thế này thì thật là tốt so với chi phí khoan giếng dò nước”.