Không dễ vượt qua
AEC cho phép dịch chuyển tự do đối với lao động có trình độ cao trong 8 nhóm ngành nghề: kế toán, kiến trúc sư, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, giám sát viên và du lịch.
8 nhóm ngành nghề này tuy chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) trong tổng số lao động dịch chuyển trong ASEAN nhưng đều là những công việc “béo bở”, có mức lương cao. Lao động được ưu tiên dịch chuyển là lao động có tay nghề, chuyên gia và người có chuyên môn.
Sau khi có thỏa thuận, nhiều đánh giá cho rằng sẽ có một làn sóng lao động nước ngoài tràn vào Việt Nam và ngược lại, lao động Việt Nam sẽ sang các nước trong khu vực ASEAN dễ như “về nhà”.
Tuy nhiên, đến nay, sau 2 năm Việt Nam chính thức gia nhập AEC, Việt Nam mới có 109 kỹ sư, trong đó có 10 kiến trúc sư, đủ điều kiện dịch chuyển, làm việc tại các nước ASEAN. Số người được công nhận đủ kỹ năng nghề ASEAN còn quá khiêm tốn, chưa đủ tạo ra một sự dịch chuyển và thực tế, cũng chưa ai “đi” được tới các nước ASEAN làm việc.
Các kỹ sư công nghệ thông tin tìm kiếm cơ hội việc làm tại sự kiện Tech Insider Expo do VietnamWorks tổ chức
Lý giải về việc số người được công nhận đủ kỹ năng nghề và đi làm việc ở ASEAN ít ỏi như thế, bà Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ LĐTB-XH), cho hay cộng đồng AEC cho phép dịch chuyển lao động có tay nghề, tuy nhiên, mỗi ngành nghề lại có những điều kiện riêng mà các nước phải thỏa thuận để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xây dựng khung đánh giá tiêu chuẩn thống nhất.
Trong khi đó, khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể, đặc biệt giữa các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam).
Bên cạnh sự khác biệt về tiêu chuẩn tay nghề của lao động nước ngoài, việc dịch chuyển nội khối còn hạn chế, chưa thông suốt bởi các nước đã có những sự phòng vệ nhất định. Đó là các quy định về giấy phép lao động và quy định của từng quốc gia trong AEC. Tức là khi vượt qua được rào cản về kỹ năng (chung), người lao động còn phải vượt qua rào cản kỹ thuật của từng nước (riêng) cũng như còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường lao động ở nước đó.
Bà Hà Thị Minh Đức dẫn chứng, bác sĩ Việt Nam muốn sang Thái Lan làm việc, phải đáp ứng được yêu cầu của nước bạn là biết tiếng Thái. Yêu cầu này không phải ai cũng đáp ứng được, dù có trình độ chuyên môn cao. Tương tự, ở nhiều nước, chủ sử dụng lao động phải chứng minh được họ không kiếm được người lao động tốt ở trong nước với mức lương tương tự thì mới được tuyển lao động người nước ngoài.
Việc tuyển dụng cũng kèm theo cam kết, sau 5 năm, người lao động nước ngoài đó phải có một bằng cấp, chứng nhận nghiệp vụ ở cấp cao hơn thì mới được tiếp tục làm việc. Những quy định như vậy nhằm bảo vệ lao động ở nước sở tại và đảm bảo thực sự thu hút được người giỏi từ các nước khác.
Nhiều kỹ năng chưa đáp ứng
Ngoài việc các nước có những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lao động nội địa, một nguyên nhân khác dẫn tới chưa có sự dịch chuyển mạnh lao động có chuyên môn giữa Việt Nam và ASEAN là chất lượng cũng như vị thế của lao động Việt Nam vẫn khiêm tốn trên bản đồ lao động quốc tế.
Đánh giá về khả năng tham gia dịch chuyển trong ASEAN của lao động Việt Nam, PGS-TS Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu tài chính, hợp tác và đầu tư thương mại Đông Nam Á (SEAFIT), nhìn nhận kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam chỉ đạt mức trung bình và thấp, so với yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và trong khu vực.
Các kỹ năng mềm như làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc trong môi trường đa văn hóa… còn nhiều hạn chế. Thậm chí, lao động Việt Nam còn thiếu ngay cả các kỹ năng làm việc cốt lõi như: sử dụng máy tính, internet, ngoại ngữ, khả năng tư duy sáng tạo, tính chủ động trong công việc, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian…
PGS-TS Mạc Văn Tiến dẫn chứng các kết quả nghiên cứu cho thấy đa số đều “bất lợi” với lao động Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta cũng rất thấp, chỉ đạt 3,79 điểm (đứng 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng).
Năng suất lao động thấp, chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/3 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan và khoảng cách này ngày càng giãn rộng. Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài cũng thấp, xếp thứ 5 trong khu vực sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và xếp thứ 82/109 nước khảo sát (trong đó, chỉ số về kỹ năng lao động xếp 95/109 nước).
PGS-TS Mạc Văn Tiến đánh giá, một điểm “rất dở” của lao động trong nước là tâm lý hội nhập. Trình độ, kiến thức có thể đào tạo được, song tâm lý hội nhập của lao động Việt Nam rất thấp, yếm thế và chưa có sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý để sẵn sàng dịch chuyển.
Hiện nay, lao động di chuyển trong nội bộ các nước ASEAN là 6,5 triệu người. Trong đó, lao động đến từ các nước ASEAN chiếm 2,28 triệu người (gần 35%), còn lại đến từ các nước ngoài khu vực ASEAN.
Ba quốc gia là điểm đến chính của lao động nhập cư là Malaysia, Singapore, Thái Lan (chiếm gần 90%) và phần lớn người lao động làm việc ở các nước này đến từ Indonesia, Malaysia, Myanmar. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa phải là điểm đến và cũng không phải là điểm di chuyển lao động chất lượng cao trong khu vực.
Vì sao lao động ASEAN không tràn vào Việt Nam?
Việt Nam thiếu các rào cản kỹ thuật và đang quá mở với lao động nước ngoài. Giấy phép lao động của lao động người nước ngoài “kiểu gì cũng làm được”; giấy chứng nhận 5 năm kinh nghiệm “làm được ngay”; việc chứng minh “không kiếm được người lao động Việt Nam phù hợp” (để được tuyển lao động người nước ngoài) không rõ ràng… Các bác sĩ vào làm việc ở các bệnh viện quốc tế ở Việt Nam cũng không cần biết tiếng Việt.
Việt Nam đang quá mở song lao động các nước trong khu vực cũng không tràn vào giành việc của lao động trong nước. Bởi, mức lương ở Việt Nam quá thấp. Lương trung bình hàng tháng của Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia và Campuchia, thấp hơn các nước khác và không so sánh được với Brunei, Singapore (lương rất cao). Mức lương không hấp dẫn nên lao động ASEAN không tràn vào, mà chỉ có một số lao động cấp quản lý, kỹ năng cao mới vào Việt Nam. Trong thực tế không có tình trạng lao động ASEAN giành việc, mà đối tượng thực sự giành việc của lao động Việt Nam là lao động đến từ các nước khác ngoài khu vực ASEAN.
Bà HÀ THỊ MINH ĐỨC, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế
Cần ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp
Để dịch chuyển được trong ASEAN, ngoại ngữ là “chìa khóa”. Người lao động Việt Nam cần tăng cường khả năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, người lao động cần học hỏi để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn và trang bị những kỹ năng mới mà doanh nghiệp trong nước và quốc tế cần. Các kỹ năng và vấn đề cần cải thiện như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp; ý thức trách nhiệm và thích nghi với môi trường làm việc mới. Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học - công nghệ của người lao động có trình độ còn nhiều yếu kém. Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực, không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Sự ỳ ạch này rất cần được khắc phục.
Với cơ quan chức năng, việc đào tạo nghề, tái đào tạo nghề cần có những thay đổi linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ để người lao động thích ứng với sự thay đổi, đáp ứng được chuẩn mực của khu vực. Cần chú trọng phát triển kỹ năng ngoại ngữ và các kỹ năng cho sinh viên. Cơ quan quản lý cần phối hợp với doanh nghiệp để đưa chương trình đào tạo sát với thực tế nhu cầu xã hội; chủ động trong công tác kết nối với doanh nghiệp để giúp sinh viên có nơi thực tập, có việc làm tốt, đúng nghĩa.
Bà NGUYỄN THU TRANG, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự Manpower Group Việt Nam