Từ 2 tháng nay, 900 công nhân trong tổng số hơn 2.400 công nhân của Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) làm việc, sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” phục vụ cho đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu. Vì vậy, đơn vị tiêu tốn khoản chi phí không nhỏ (hơn 200 triệu đồng/ngày) để chăm lo ăn, ở cho một lượng lớn công nhân.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dệt may 29-3, chính quyết định này được người lao động ủng hộ, tạo thành phong trào thi đua trong sản xuất. Nhờ đó, dù duy trì sản xuất trong tình thế khó khăn với số lượng công nhân sụt giảm mạnh nhưng năng suất lao động tại nhà máy ở TP Đà Nẵng tăng khoảng 10%, riêng nhà máy ở xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tăng 20% so với trước khi xảy ra đợt dịch thứ 4. Nhiều công nhân được tăng thêm tiền thưởng trong tháng do hiệu quả làm việc cao.
“Dịch bệnh là khó khăn cũng cũng là cơ hội để thể hiện uy tín của đơn vị trên thương trường bởi hiện nhu cầu về các sản phẩm đồ bảo hộ y tế, áo quần thể thao từ các thị trường Mỹ, châu Âu tăng mạnh. Nếu dừng sản xuất, chúng tôi sẽ mất bạn hàng, từng bước bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp nỗ lực tham gia trong thời gian dài trước đó. Vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp sẽ giữ được mạch sản xuất, góp phần giữ chân người lao động chân chính”, ông Chính cho biết.
Theo ông Kim Yung Bum, Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, khi trở lại hoạt động, công ty chỉ duy trì sản xuất với 50% nhân lực. Đối với 50% nhân viên đang còn ở nhà, không những mệt mỏi về tinh thần mà còn khó khăn về vật chất. Vì vậy, Ban lãnh đạo Công ty phối hợp cùng công đoàn vẫn dành sự quan tâm đặc biệt với những công nhân, người lao động phải tạm nghỉ việc để phòng chống dịch.
“Tôi nghĩ rằng nếu có thể giúp đỡ được phần nào những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn không thể đi làm được thì công ty và những người công nhân đang đi làm ở đây luôn sẵn sàng đóng góp, mua những phần quà nhỏ để trao tặng”, ông Kim Yung Bum chia sẻ.
Trước thực tế lực lượng thanh niên tại TP Đà Nẵng có nhiều ý tưởng, sáng tạo và ý chí muốn lập nghiệp tại quê hương nhưng lại khó khăn về vốn, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, do dịch bệnh, nhiều người bị thất nghiệp, nhất là ngành du lịch - dịch vụ, trong đó có lực lượng thanh niên. Qua khảo sát thực tế, có rất nhiều bạn trẻ lại có ý tưởng, sáng tạo và mong muốn lập nghiệp, làm giàu tại chính quê hương mình nhưng lại thiếu nguồn vốn, thiếu diễn đàn để kết nối chia sẻ kinh nghiệm...
Vì vậy, Thành Đoàn Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch, xin ý kiến của TP Đà Nẵng để lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Riêng huyện Hòa Vang cũng đã có mô hình tập hợp được các thành phần cá thể là thanh niên tham gia khởi nghiệp từ đó có cách hỗ trợ riêng.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian đến, các cấp Công đoàn TP Đà Nẵng sẽ trao tặng 40.000 “Túi an sinh Công đoàn” cho các lao động khó khăn do dịch bệnh. Mỗi túi an sinh Công đoàn trị giá 200.000 đồng sẽ được các cấp Công đoàn trao tận tay đoàn viên, người lao động ở các khu phong toả, cách ly, khu nhà trọ... nhằm động viên, chia sẻ phần nào những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Cạnh đó, LĐLĐ TP Đà Nẵng vừa quyết định khen thưởng 369 em học sinh là con của công nhân viên chức lao động. Trong đó, 138 suất học bổng tuyên dương, 187 suất học bổng vượt khó, 44 suất học bổng động viên. Tổng số tiền 212 triệu đồng. Dự kiến trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, LĐLĐ TP Đà Nẵng sẽ chi 2 tỷ đồng để chăm lo, chia sẻ cho các đoàn viên nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Để giữ chân người lao động, theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng, đơn vị có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược thu hút và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện Nghị quyết 43. Hiện các chiến lược, kế hoạch vẫn trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến khảo sát các sở ngành, địa phương chuyên gia, nhà khoa học.
Mục tiêu là có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về vấn đề nhà ở, an sinh xã hội, hạ tầng xã hội, nhà trẻ,...đảm bảo cho người lao động yên tâm ở lại TP Đà Nẵng sinh sống, làm việc.
Không những thế, đơn vị có những định hướng đưa ra những chính sách thu hút với chuyên gia đầu ngành, từng bước đưa TP Đà Nẵng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, khẳng định vị thế trong khu vực, trên thế giới.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, những tháng cuối năm 2021, TP Đà Nẵng cần chung sức cùng vượt qua khó khăn, từng bước chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng. Địa phương sẽ hoàn thiện, ban hành Kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 để triển khai thực hiện. Tăng cường trách nhiệm của 2 Tổ công tác liên ngành về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng và đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, là sớm ban hành và đưa vào triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. TP Đà Nẵng cần làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch, nhất là việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, TP Đà Nẵng xem xét mở rộng người lao động bị mất việc làm, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn theo chủ trương của Trung ương và TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp duy trì và giải quyết việc làm, chú trọng hỗ trợ, đào tạo, tuyển dụng bảo đảm lao động phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời. Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong những ngày “ai ở đâu thì ở đó”, việc bảo đảm công tác an sinh, đảm bảo cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Ngoài gói hỗ trợ của Trung ương, TP Đà Nẵng có những gói hỗ trợ riêng trích từ ngân sách địa phương, nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, TP Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách xã hội đối tượng nhiều nhất, số lượng nhiều nhất với kinh phí nhiều nhất. Hàng loạt gói hỗ trợ an sinh xã hội được TP Đà Nẵng chỉ đạo khẩn trương triển khai như hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm đến trường hợp khó khăn trên địa bàn, đảm bảo không để bất cứ hộ dân nào, người lao động nào bị thiếu đói trong thời gian cách ly xã hội tuyệt đối. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để chân chính giữ chân người lao động thì các doanh nghiệp cần phải phục hồi kinh tế- xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động chân chính. Hiểu được điều đó, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và TP Đà Nẵng. Trong đó, tập trung khẩn trương triển khai các chính sách, cụ thể như: hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trả lương, vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018… Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vaccine mũi 1, 2 cho lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tăng cường công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; trình UBND TP Đà Nẵng mức hỗ trợ đào tạo phù hợp, mở rộng đối tượng để người lao động có cơ hội học nghề, chuyển đổi ngành nghề. |