Theo ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) hiện công ty đã có hơn 90% lao động tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Dù gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, công ty vẫn tuyển dụng thêm 300 nhân viên, nhiều kỹ sư trẻ được công ty đào tạo nâng cao chuyên môn, tay nghề. Việc liên kết với các trường đại học để thu hút nhân lực, định hướng nghề nghiệp cho lực lượng sinh viên ra trường là một trong những chiến lược lâu dài của đơn vị.
Theo ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA), thời điểm dịch bệnh, hầu hết các công ty phần mềm đã chủ động cho nhân viên làm việc từ xa để duy trì sản xuất, nhưng các công ty vẫn đang gặp khó khăn về nhân lực. Vì vậy, ông Việt kiến nghị TP Đà Nẵng cần đẩy mạnh xúc tiến nhanh chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao về địa phương.
“Nguồn nhân lực mới trong ngành cần thời gian đào tạo, hướng dẫn trực tiếp, nên khi phải làm việc từ xa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc này. Bên cạnh đó, người lao động sau thời gian dài cách ly phải làm việc ở nhà, mất đi tương tác xã hội đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất lao động và sự kết nối với công ty”, ông Việt lý giải.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, từ ngày 1-10 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 59 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với 2.600 vị trí việc làm trống. Đây là tín hiệu tích cực trong giai đoạn hiện nay. Trung tâm tiếp tục tuyên truyền tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động.
Không chỉ kết nối để tuyển dụng, theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng, sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Việc đào tạo phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phòng chống dịch bệnh, kết hợp giữa đào tạo và tổ chức sản xuất.
Đối với các đơn vị có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị đã báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem đơn giản hóa các thành phần hồ sơ đăng ký nhập cảnh, người nước ngoài là chuyên gia và thân nhân; học sinh, sinh viên, người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ. Đồng thời, xem xét giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Theo thống kê của Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, hiện có khoảng 3.000 lao động ở các khu công nghiệp Đà Nẵng bị kẹt ở các địa phương. Trong đó có khoảng 1.000 lao động ở tỉnh Quảng Nam.
Để từng bước khôi phục sản xuất, dự kiến, ngày 12-10, UBND TP Đà Nẵng ban hành Hướng dẫn tạm thời về việc đi lại giữa TP Đà Nẵng và các địa phương khác. Việc ra vào kèm theo một số điều kiện chống dịch cụ thể, đặc biệt là phải đăng ký và được TP Đà Nẵng để cấp mã QR.
Theo hướng dẫn, đối với người dân tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng khi di chuyển giữa 2 địa phương, không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2. Người dân chỉ cần có giấy tờ tùy thân chứng minh công dân Đà Nẵng/Quảng Nam hoặc các thủ tục khác có liên quan.