Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện còn khoảng 5.700 giấy phép con đang gây không ít cản ngại cho doanh nghiệp.
Một sản phẩm “cõng” nhiều giấy phép
Theo phản ánh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm tại TPHCM, việc bắt buộc phải có giấy phép con yêu cầu xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, đồng thời kèm quy trình thủ tục phức tạp đang gây khó khăn và làm giảm năng lực của doanh nghiệp ngành này.
Đơn cử, trong Luật An toàn thực phẩm cũng như Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không có quy định yêu cầu giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, nhưng Nghị định 38 về hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm, lại đòi hỏi giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Thành Kiên (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Sở Công thương TPHCM tham quan gian hàng thực phẩm của doanh nghiệp thành phố
Đại diện Công ty Bánh kẹo Á Châu cho biết: “Để có được giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, đối với một sản phẩm bánh có 12 loại thành phần nguyên liệu thì đơn vị sản xuất kinh doanh phải xin tới 13 loại giấy phép. Còn muốn nhập một thanh chocolate, doanh nghiệp cũng phải xin 13 loại giấy phép; hay để có nguyên liệu sản xuất ra một sản phẩm bánh, cũng cần khoảng 17 giấy phép”.
Tuy nhiên, số lượng giấy phép con mà doanh nghiệp phải có nhằm phục vụ cho hoạt sản xuất kinh doanh chưa phải là vấn đề duy nhất, mà quy trình được cấp các giấy phép con này cũng không phải dễ dàng hay được tinh giản. Bởi hiện nay, các giấy phép con có quy định thời gian xử lý thủ tục là 15 ngày, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng; chưa kể những trường hợp phát sinh sai sót, bổ sung văn bản...
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, nhiều doanh nghiệp và kể cả các hộ nông dân nuôi được con gà, quả trứng mang ra bán gặp rất khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng ngoại hay sản phẩm nhập lậu. Vậy mà những mặt hàng này phải chịu đến hơn 10 loại giấy phép; mặc dù đây là những quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng cũng có những loại giấy phép không còn phù hợp, nên cần tinh giản để giảm áp lực cho đơn vị sản xuất kinh doanh.
Cùng quan điểm, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nước mắm truyền thống cho rằng, những quy định về giấy phép con và quy trình cấp giấy phép này có nhiều vấn đề bất hợp lý, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trong ngành khi công bố lại chất lượng sản phẩm thì bị vướng không làm thủ tục được. Cụ thể, trong chế biến thực phẩm quy định phải có muối i-ốt, nhưng đối với ngành nước mắm truyền thống giai đoạn ủ chượp muối lên cá thì trong cá biển đã có i-ốt, nên giai đoạn cuối mà thêm i-ốt thì sản phẩm sẽ biến vị và màu sắc.
Các doanh nghiệp đồng thuận quy định trên là đúng, nhưng cần xem xét một số ngành nghề hay sản phẩm đặc thù để loại trừ. Vì quy định chưa sát với thực tế và áp dụng chung cho tất cả nên hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh nước mắm bị “ắch tắc” ở điều kiện này.
Tháo gỡ bất cập
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho hay hội đã có văn bản kiến nghị bổ sung và sửa đổi Nghị định 38, phải thực hiện theo quy định Điều 12, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm về phạm vi công bố hợp quy và hợp chuẩn an toàn thực phẩm đề nghị bãi bỏ. Việc miễn công bố hợp quy và hợp chuẩn an toàn thực phẩm sẽ giải phóng cho doanh nghiệp rất nhiều, do khi thực hiện quy định này đang kéo theo hàng loạt giấy phép con.
“Mặc dù vậy, tính đến nay, các bộ, ngành chức năng chưa có văn bản trả lời cụ thể nên sở, ngành mà cụ thể là Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM chưa có cơ sở tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn”, bà Lý Kim Chi cho biết thêm.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Theo bà, bên cạnh việc tồn tại một số quy định bất cập, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp khi thực thi và chấp hành pháp luật là do có thể đâu đó còn có những đơn vị hay các bộ thực thi pháp luật chưa đúng, do chưa hiểu rõ văn bản pháp luật.
Bà Trần Việt Nga cho biết, để tháo gỡ rào cản và tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Y tế và cụ thể là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có những giải pháp tăng cường tập huấn cho các địa phương và quán triệt rõ là ngoài những thủ tục đã quy định ở Nghị định 38 thì không được yêu cầu thêm bất cứ thủ tục nào.
Đánh giá hành lang pháp lý và quy định pháp luật về an toàn thực phẩm hiện hành, các chuyên gia nhấn mạnh: Những quy định chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng nên rất cần thiết. Tuy nhiên, những quy định này cần rõ ràng và quy trình thực thi phải hợp lý, có nghiên cứu thực tiễn, đảm bảo quyền lợi các bên, tránh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng và doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại tự do với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức và áp lực cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, việc tồn tại những giấy phép con không cần thiết và vô lý sẽ làm trì trệ, gây lãng phí thời gian và chi phí sản xuất; tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI, chi nhánh TPHCM, trong quá trình sửa đổi và bổ sung quy định về Luật An toàn thực phẩm, cụ thể là Nghị định 38, cần xem xét và ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về những trường hợp xin giấy tờ chỉ mang tính hình thức, không có hiệu quả thiết thực. Ngoài những bất cập trong luật, cần chấn chỉnh sự thực hiện của các cơ quan chức năng không phù hợp và chồng chéo. Trong đó, cần từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện thủ tục hành chính bằng kênh điện tử để hạn chế tình trạng người dân phải mang hồ sơ đi từ cơ quan quản lý này sang cơ quan quản lý khác.