Khốn khổ vì cho bạn mượn giấy tờ
Chị Nguyễn Thị Ngọc G. (công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, tại quận Bình Tân, TPHCM), năm nay bước sang tuổi 38. Chị G. đi làm công nhân từ năm 18 tuổi và đã có 18,5 năm tham gia BHXH. Tháng 8-2020, chị G. nghỉ việc tại Công ty TNHH PouYuen.
Sau khi nghỉ việc, chị G. đi làm các thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đóng sổ BHXH… thì mới vỡ lẽ ra muôn vàn rắc rối phát sinh do trùng tên, trùng CMND. Chị G. kể, năm 2000, chị từng cho bạn mượn CMND để đi làm công nhân ở một công ty may thêu. Người bạn có đóng BHXH từ năm 2004 đến 2009. Sau đó, người bạn đã nghỉ làm và hưởng chế độ BHXH một lần cho 5 năm đó.
“Bây giờ tôi đi làm thủ tục để hưởng các chế độ thì chưa được giải quyết vì tên tuổi, giấy tờ trùng nhau. Tôi nghỉ việc từ tháng 8-2020 đến nay, vẫn chưa được giải quyết chế độ!”, chị G. buồn rầu. Chị lo lắng: “Tôi cần làm gì bây giờ? Có thể tách sổ - tách riêng phần thời gian 5 năm bạn tôi đã hưởng chế độ ra được không? Quyền lợi của tôi được đảm bảo ra sao”?
Tương tự, chị Phù Thị Y. (29 tuổi), cũng khốn khổ vì cho bạn mượn CMND để đi làm. Chị kể, lúc đó (năm 2012), bạn của chị chưa đủ tuổi để đi làm. Nhưng gia cảnh khó khăn, bạn muốn đi làm để có thêm thu nhập, chị Y. đã cho bạn mượn CMND vào một công ty làm việc.
Sau đó, chị Y. cũng đi làm công ty. Bạn chị Y. có đóng BHXH và hưởng chế độ BHXH một lần tại BHXH TPHCM. Trong đó, người bạn có hưởng chế độ “một cục” (BHXH một lần) của giai đoạn 2012-2014 (2 năm).
Cùng thời gian này (từ năm 2012-2019), chị Y. có đóng BHXH ở công ty chị Y. Mọi việc cứ tưởng bình lặng trôi qua, nhưng đến năm 2020, chị Y. làm thủ tục để hưởng chế độ BHXH tại BHXH tỉnh Bình Dương thì mới hay, sổ BHXH của chị Y. có trùng CMND với bạn - người đã hưởng chế độ ở BHXH TPHCM. Vì thế, việc giải quyết chế độ cho chị đang bị gián đoạn.
Quá trình sau đó rất phức tạp. Chị Y. đã liên hệ BHXH TPHCM thì được giải thích là BHXH TPHCM đã gửi văn bản tới BHXH Việt Nam trao đổi về vấn đề này; khi nào có thông báo của BHXH Việt Nam thì BHXH TPHCM sẽ gọi cho chị.
Từ đó đến nay, đã nhiều tháng trôi qua, nhưng chị Y. chưa thấy BHXH TPHCM gọi trao đổi về việc giải quyết ra sao. “Bây giờ hồ sơ của tôi bị dẫm chân tại chỗ, tôi đã chờ nhiều tháng mà chưa biết hướng tháo gỡ?”, chị Y. buồn phiền.
Chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết
Không chỉ chị G., chị Y. gặp rắc rối khi cho bạn mượn CMND để đi làm, Sở LĐTB-XH TPHCM và BHXH TPHCM cho biết, quá trình giải quyết chính sách đã phát hiện không ít hồ sơ BHXH trùng tên do công nhân mượn CMND, giấy tờ của người khác. Trong việc cho mượn CMND, giấy tờ để người khác đi làm, thì cả bản thân người cho mượn và người mượn đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về giải quyết quyền lợi, tranh chấp quyền lợi BHXH và các rắc rối pháp lý do trùng tên…
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, khi phát hiện người lao động có thời gian tham gia BHXH trùng do mượn hoặc cho mượn hồ sơ thì cơ quan BHXH hướng dẫn người lao động điều chỉnh nhân thân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tên tuổi, quá trình đóng BHXH… rất phức tạp, chưa có quy định cụ thể về hướng giải quyết. BHXH TPHCM cũng rất muốn giải quyết nhanh gọn vấn đề của người lao động, song lại chưa có quy định cụ thể để xử lý.
Phân tích kỹ hơn, bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ, thẻ - BHXH TPHCM, cho hay, trước đây, khi áp dụng Nghị định 88/2015 NĐ-CP, người lao động mượn giấy tờ tùy thân để đóng BHXH sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng về hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ xác định mức độ vi phạm và có quyết định xử phạt. Sau khi có quyết định xử phạt của Sở LĐTB-XH và đã nộp phạt theo đúng quy định, thì người lao động sẽ nộp hồ sơ tại BHXH TPHCM để điều chỉnh nhân thân do trùng tên.
Những năm qua, nhiều trường hợp trùng tên do mượn giấy tờ đã được BHXH TPHCM giải quyết “trả lại tên cho em”. Mọi việc lúc đó đơn giản hơn vì có căn cứ xử phạt; người lao động cũng chưa hưởng chế độ BHXH.
Song từ năm 2020, mọi việc không còn đơn giản như trước. Rất nhiều tình huống - cả thực tế, cả pháp lý - đã phát sinh. Bà Phan Nguyên Vị Thủy cho hay, từ năm 2020, theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, việc mượn giấy tờ tùy thân để đóng BHXH không bị xử phạt hành chính.
Trong khi đó, nhiều người đã mượn giấy tờ tùy thân đi làm công nhân, đóng BHXH; sau đó nghỉ việc, làm thủ tục hưởng chế độ BHXH. Tức là việc mượn CMND không chỉ xảy ra một lần (lúc đi làm công nhân), mà còn cố tình mượn để làm, ký tên hưởng chế độ BHXH.
Theo bà Phan Nguyên Vị Thủy, nếu người mượn giấy tờ chưa hưởng chế độ gì thì việc điều chỉnh cho cả người mượn và người cho mượn sẽ đơn giản hơn. Hai bên (người mượn, người cho mượn), cùng ký cam kết, có xác nhận, có làm chứng và cơ quan BHXH có cơ sở giải quyết. Nhưng, giờ đây, người mượn đã… mượn thêm lần nữa CMND để đi làm thủ tục hưởng chế độ BHXH. Việc mượn giấy tờ lại không bị xử phạt theo quy định mới.
Vì thế, BHXH TPHCM chưa có căn cứ để xử lý, chưa có cơ sở để thu hồi chế độ đã chi trả cho người mượn và cũng chưa thể làm các bước tiếp theo để làm sổ BHXH mới, cả người mượn và người cho mượn.
“Chúng tôi rất thông cảm với việc người lao động chờ đợi lâu. Đây cũng là hệ quả của việc mượn, cho mượn giấy tờ cá nhân để đi làm việc, đóng BHXH, rất mong người lao động lưu ý. BHXH TPHCM đã kiến nghị BHXH Việt Nam có hướng xử lý tình trạng này. Khi có hướng dẫn cụ thể, BHXH TPHCM sẽ giải quyết ngay”, bà Phan Nguyên Vị Thủy cho hay.