Người đàn ông 43 tuổi này không thể rút tiền đầu tư vào ngày 18-6 vừa qua và sau đó, Gao Bin mới biết Công ty Tangxiaoseng bị điều tra vì “huy động tiền gửi bất hợp pháp”. Nền tảng P2P này đã cho các nhà đầu tư ăn bánh vẽ, “dụ” họ bằng khoản lãi từ 5%-15%. Theo ước tính, tổng số lượng giao dịch Tangxiaoseng đã thực hiện lên đến hơn 80 tỷ NDT (gần 12 tỷ USD).
Tangxiaoseng chỉ là một trong rất nhiều nền tảng P2P tại Trung Quốc. Ngành công nghiệp P2P của nền kinh tế thứ 2 thế giới có giá trị ước tính gần 192 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Đây là một trong những mảng rủi ro và khó quản lý nhất trong hệ thống ngân hàng ngầm nước này. Chính phủ Trung Quốc đã gây sức ép lên các nền tảng này suốt 2 năm qua. Áp lực càng tăng vài tháng gần đây, khi thị trường tín dụng nước này thắt chặt và giới chức ngân hàng cảnh báo người gửi có thể mất tiền nếu đầu tư vào công cụ lãi suất cao. Theo Wangdaizhijia, công ty chuyên cung cấp số liệu về cho vay trực tuyến ở Trung Quốc, trong tháng 6 vừa qua, 63 nền tảng cho vay P2P gặp vấn đề về thanh khoản và bị đình chỉ việc rút tiền. 17 nền tảng tự động dừng hoạt động, trong khi 80 nền tảng khác đang có nợ 3 tỷ NDT. Zhang Guodong, Tổng thư ký Hiệp hội tài chính Internet Thâm Quyến, nhận định ngành công nghiệp P2P có lẽ đang bước vào thời kỳ suy thoái. Wangdaizhijia cho hay số lượng nền tảng P2P trong tháng 6 vừa qua là 1.836, con số này giảm mạnh so với 3.800 nền tảng của năm 2005.
Giới chức Trung Quốc cho biết, nhiều nền tảng P2P huy động vốn bất hợp pháp vì mục đích riêng. Một số lại chạy theo mô hình lừa đảo kim tự tháp. Việc này khiến họ phải siết chặt quản lý. Theo Chen Shujin, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Huatai (Hồng Công), Chính phủ Trung Quốc khó tìm được một cách hoàn hảo để có thể loại bỏ hoàn toàn những phần tử xấu khi mà hiện có hàng ngàn nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến. Điều cần làm trước tiên là phải giảm số lượng. Các chuyên gia phân tích tại China International Capital Corp dự đoán trong 3 năm tới số lượng sẽ giảm xuống dưới 200 công ty, tức là bằng khoảng 10% con số hiện nay. Số liệu chính thức cho thấy các nền tảng P2P ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký và có khoảng 192 tỷ USD nợ xấu. Chủ yếu là khách hàng cá nhân sẵn sàng chi trả mức lãi cao do không thể tiếp cận với các kênh ngân hàng chính thống. Vì vậy, việc siết chặt quản lý nền tảng P2P ở chiều ngược lại, cũng ảnh hưởng tới các công ty, cá nhân phải dựa vào P2P để có vốn. Đó là các doanh nghiệp nhỏ cần vốn lưu động, người không có lịch sử tín dụng tốt, nhà đầu tư chứng khoán và người mua nhà trả góp.
Trở lại câu chuyện của Gao Bin, anh cho biết 3 đêm liền anh không thể chợp mắt. Khoản tiền đầu tư lớn bị mất thực sự là cú sốc đối với gia đình anh. Giờ đây, Gao Bin không biết xoay xở ra sao để chi trả khoản chữa trị căn bệnh ung thư cho mẹ anh cũng như để trả cho khoản góp mua căn hộ...