Nói chuyện nhưng… mỏi tay
Từ TP biên giới Hà Tiên chỉ có một cách để ra đảo Hòn Đốc (tên khác là Hòn Tre Lớn) - trung tâm hành chính của xã Tiên Hải là đi tàu cao tốc Minh Nga, mỗi ngày chạy 2 chuyến. Hòn Đốc cách TP Hà Tiên 28km, cách TP Phú Quốc 40km.
Quần đảo "Hải Tặc" với cầu tàu, Trạm Biên phòng, trụ sở UBND xã Tiên Hải nhìn từ phía biển. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Anh Dương Văn Truyền, lái xe điện kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ, nhận chở nhóm chúng tôi vòng quanh đảo với giá 300.000 đồng, không giới hạn thời gian. Con đường bê tông rộng 3,5m uốn lượn quanh đảo Hòn Đốc dài gần 7km, một bên núi, một bên là biển xanh ngắt. Vừa lái xe, anh Truyền vừa tranh thủ giới thiệu về vùng đất này. Cả xã Tiên Hải có khoảng 12 nhà nghỉ, 4 chiếc xe điện chở khách quanh đảo. Ở đảo này không có ghe cào, chỉ có ghe câu nên xung quanh đảo hải sản còn nhiều, chịu khó đi câu, 1 đêm cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Xe điện chở khách vòng quanh đảo Hòn Đốc, trung tâm hành chính của xã Tiên Hải. Ảnh: THẢO LY |
Gần cuối chiều, nhiều người mang những tấm xốp rộng 1m2 có gắn ghế nhựa phía trên để ra biển câu mực, câu cá vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Anh Truyền chia sẻ, trên đảo ít người, quanh đi quẩn lại bấy nhiêu khuôn mặt quen thuộc như người nhà, nên có du khách đến ai cũng vui, vì được dịp giới thiệu về vùng đất này. Tuy nhiên, khó nhất là tiếp chuyện du khách nước ngoài. Bởi mấy ngàn con người trên đảo đều “mù tịt” tiếng Anh. Nên nói chuyện một hồi… mỏi tay lắm!
Phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng
Ông Phan Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, cho hay, sau khi có điện lưới quốc gia, đời sống người dân trên đảo thay đổi rất nhiều. Nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Đảo chưa có trường trung học phổ thông. Các đảo nhỏ quanh Hòn Đốc thì chưa có trường cấp 2. Vì vậy sinh viên đại học ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Về chuyện mưu sinh trên đảo, ông Lê Văn Hùng là một trong số 90 hộ nuôi cá bè quanh đảo Hòn Đốc, cho biết, cá bớp (cá bóp), cá mú, cá chuộng, hồng mỹ đang có giá, nuôi tới đâu bán hết tới đó. Ngoài nuôi cá, ông Hùng còn làm luôn thương lái thu mua cá thành phẩm đem vô đất liền tiêu thụ. Mỗi ngày chạy ngược chạy xuôi trên biển từ 3 giờ sáng tới giữa trưa, ông Hùng kiếm được 700.000 - 800.000 đồng tiền lời từ bán cá. Riêng cá trong lồng bè, ông Hùng để dành tới cuối năm thu hoạch bán kiếm vài trăm triệu đồng.
Do ít khách đến nên cả đảo Hòn Đốc không có quán nào bán thức ăn buổi tối, ai muốn ăn phải đặt trước. Vậy là chúng tôi lò mò ra đồn biên phòng ngay cầu cảng để… xin cơm. Trong bữa cơm giữa tiếng rì rào của sóng biển, ông Phan Hồng Phúc cho biết, hiện có một số doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và một doanh nghiệp đang xây khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hệ thống thu gom rác thải đã cơ bản đảm bảo với lò đốt rác ngay trên đảo. Sắp tới sẽ khởi công làm hệ thống thu gom xử lý nước thải nữa là ổn… Có lẽ với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự giàu lòng mến khách của người dân xứ đảo, mai này quần đảo “Hải Tặc” sẽ thay da, đổi thịt
Theo bà Lương Thảo Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, khi chưa có dự án du lịch nào triển khai, thì mô hình phát triển phù hợp nhất là du lịch cộng đồng. Người dân trên đảo thường xuyên được tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan, tài nguyên biển, công trình di tích, văn hóa tâm linh. Do vậy, trên đảo không có chuyện vứt rác ra biển, rác trên bờ biển có là do trôi dạt từ chỗ khác đến. Từ năm 2018 tới nay, quần đảo “Hải Tặc” đón gần 400.000 lượt du khách, riêng năm 2022 là 60.000 lượt du khách, 3 tháng đầu năm nay đón hơn 15.000 lượt du khách.
Theo bà Lương Thảo Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, tên gọi lạ lẫm quần đảo “Hải Tặc” xuất hiện từ thế kỷ 17. Khi đó Tổng trấn Mạc Thiên Tích (con trai của Khai trấn Quốc công Mạc Cửu) nhiều lần lệnh cho các tướng lĩnh ra dẹp loạn cướp biển ở đây và tên gọi quần đảo “Hải Tặc” có từ đó. Quần đảo này có 18 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích 251ha.