Dở khóc dở cười là chọn máy xay sinh tố được chụp cận cảnh trên trang quảng cáo với giá 1.000 đồng; tuy nhiên sự thật chỉ là mô hình máy xay mini, đồ chơi trẻ em. Cũng 1.000 đồng, có cô gái đặt mua bánh mì kẹp thịt và nhận tận tay là ổ bánh mì không hề có nhân, khác hẳn hình giới thiệu trên mạng...
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đang lấy ý kiến để tập hợp những nội dung mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, với kỳ vọng sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhằm ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52 sẽ thu gọn đối tượng ứng dụng thương mại điện tử và thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ…
Thông tin hàng hóa trên website thương mại điện tử sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Quy định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng cung cấp chứng từ trong quá trình giao nhận, điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.
Cùng với việc lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử, Bộ Công thương cũng đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Gần 10 năm thực thi (tháng 7-2011 đến nay), một số quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn phát sinh nhiều vướng mắc, không còn phù hợp với thực tiễn. Một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng truyền thống chứ chưa tiếp cận những phương thức mới, hiện đại; đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ và khoa học - công nghệ 4.0. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa phù hợp và đầy đủ...
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; góp phần phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.