Tại hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng vào chiều 30-8 nhằm sơ kết tuần lễ đầu tiên thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường trên toàn thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị: “Phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa vì người dân đang hy vọng vào mình. Từng đồng chí phải củng cố cho mình một niềm tin, vũ trang cho mình một vũ khí sắc bén, hành động với vai trò trách nhiệm cao nhất của mình, tận dụng thời cơ vàng, tăng tốc thực hiện theo kế hoạch đề ra”.
Chưa bao giờ, năng lực, trách nhiệm và khả năng “chống chịu” của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở, lại đứng trước cơ hội lẫn thách thức như thời điểm cam go này. Nếu lực lượng tuyến đầu là những chiến binh quả cảm thì đội ngũ cán bộ, từ cấp chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của 21 quận huyện và TP Thủ Đức cho đến hệ thống chính trị các phường xã, thị trấn chính là một “binh chủng” hậu cần, vừa chủ công trong việc phân phối, vận chuyển hàng hóa, lương thực cho người dân vừa phối hợp nhằm đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát quy trình cách ly F0, các khu vực xét nghiệm, tiêm chủng vaccine trên địa bàn.
Chủ trương đúng, quyết sách kịp thời, mạnh mẽ nhưng chỉ cần một trong những mắc xích cơ sở lủng củng, lúng túng, chậm trễ, lơ là thì hệ quả sẽ phân tán, chưa kể những lỗ hổng, sơ hở không trám, bịt kịp sẽ dẫn tới nguy cơ, hậu quả. Thời gian qua có nhiều ví dụ như vậy.
Thực tế cho thấy, Bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND phường bám sát tình hình thực tế địa bàn quyết định thành công hay thất bại trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, cán bộ cấp cơ sở thấu hiểu đời sống khốn khó lẫn những bức bối, lo âu ở họ, có biện pháp hỗ trợ sớm, trước khi để xảy ra những phản ứng mất kiểm soát.
Ngược lại, một khi là người đứng đầu địa phương cơ sở mà không bám sát dân, không kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là các yêu cầu của người dân về hỗ trợ y tế, chăm lo an sinh xã hội đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì phải lập tức có người khác thay thế.
Lãnh đạo từ cán bộ cơ sở không gì khác hơn ngoài các nhiệm vụ: “không để bất cứ người dân nào đói ăn thiếu mặc”, đảm bảo “thuốc phải tới tận tay F0”… Muốn làm được, cán bộ phải trực tiếp vào những điểm nóng, nhận lấy phần khó khăn, chấp nhận những thử thách, rủi ro nếu gặp; không vì e ngại, toan tính thiệt hơn mà lưng chừng hoặc tìm cách lùi lại, thỏa hiệp.
Một khi đặt để sự không phân biệt đâu là công tác của Đảng, đâu là công việc của chính quyền, thì toàn bộ hệ thống chính trị sẽ đồng lòng, hiệp ý, dốc sức cho nhiệm vụ chung. Bởi tận cùng, như lời Bác Hồ đã dạy, người cán bộ phải “sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ”…