Ngày 21-10, Thành ủy TPHCM tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo TP với cán bộ hội, hội viên và phụ nữ TP năm 2018. Với chủ đề “Xây dựng môi trường lao động an toàn, hiệu quả đối với nữ công nhân, lao động vệ sinh tại TPHCM”, các nữ công nhân vệ sinh đã có dịp được trải lòng, nói lên nỗi nhọc nhằn, cơ cực của nghề rác – nghề mà nhiều người chê hôi thối, xã hội còn xem nhẹ.
Chị Võ Thị Ngọc Dung, công nhân vệ sinh quận Thủ Đức trăn trở về vấn đề nữ công nhân vệ sinh phải đối mặt, đó là tai nạn giao thông khi đang làm việc. Chị cho biết nhiều nữ đồng nghiệp bị người say xỉn chạy xe tông bị thương tật, mất sức lao động, cuộc sống khó khăn. Vì người tông phải đã chạy mất nên gặp khó khăn khi làm thủ tục về tai nạn lao động vì không có biên bản hiện trường, đường không có camera.
“Với số tiền này, người bị tai nạn không thể xoay xở cuộc sống. Như vợ tôi còn có tôi hỗ trợ, với những nữ công nhân khác, họ phải làm sao để trang trải cuộc sống, lo con cái đi học với số tiền ít ỏi này. Tôi kiến nghị tăng mức trợ cấp để người lao động an tâm làm việc”, anh Đức kiến nghị.
Ngoài ra, nhiều nữ công nhân cũng nêu nguyện vọng được chuyển đổi nghề nghiệp khi tuổi cao. Có thể chuyển sang việc nhẹ nhàng như: giúp việc nhà, chăm sóc người già, tạp vụ,… Nếu có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành trong việc chuyển đổi nghề sẽ thuận lợi hơn với các nữ công nhân vệ sinh.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc chuyển đổi nghề cho nữ công nhân vệ sinh là đúng nhu cầu. Hiện nhiều gia đình rất cần người giúp việc nhà, chăm sóc cây xanh, chăm sóc người già,…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hội phụ nữ cùng phối hợp để hỗ trợ chị em trong việc chuyển đổi này. Đây là việc cần bắt tay thực hiện ngay. Ban đầu có thể thực hiện tại các khu vực trong nội thành trước, sau đó nhân rộng ra các nơi.
Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận sự đóng góp của nữ công nhân vệ sinh cho sự phát triển của TP. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các ban ngành, đoàn thể thực hiện vai trò giám sát để người dân có ý thức hơn, không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Chỉ có mỗi người dân đều ý thức bảo vệ môi trường thì mới có thể giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Hiện nay toàn TP có khoảng 7.000 công nhân vệ sinh công lập, thực hiện thu gom khoảng 40% lượng rác sinh hoạt toàn TP. 60% còn lại do hệ thống rác dân lập thu gom và cũng chưa thống kê được số lượng công nhân vệ sinh dân lập. Trong 7.000 công nhân vệ sinh công lập, có 25% là nữ. Những công nhân vệ sinh đã giúp cho TP có được bộ mặt sạch sẽ, văn minh. Tuy nhiên công việc của họ gặp nhiều khó khăn. Môi trường độc hại, giờ làm việc kéo dài, lương thấp, chậm trả lương, bệnh nghề nghiệp, nguy cơ phơi nhiễm,… nhưng chính sách, chế độ lương, khuyến khích đối với nghề chưa thật sự phù hợp. |