Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Trương Thị Ánh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cùng đại diện các ban Đảng, sở, ngành thành phố và 170 thiếu nhi đại diện cho hơn 1,4 triệu thiếu nhi của TPHCM.
Mong môi trường học tập và sinh sống trong lành
Các cháu thiếu nhi tới dự chương trình là những gương mặt thiếu nhi, đội viên, cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu đang học tập, sinh hoạt tại các liên đội trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TPHCM; các em là con em gia đình công nhân trực tiếp sản xuất, con em gia đình nông dân, gia đình lực lượng vũ trang; các em sống tại các trung tâm, mái ấm, nhà mở; các gương tài năng trẻ các lĩnh vực, đội viên tiêu biểu; các em đạt giải cao trong hội thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Mở đầu chương trình, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá buổi gặp gỡ đầu xuân là hoạt động rất đẹp, rất có ý nghĩa, đã trở thành nền nếp của lãnh đạo TP đối với các cháu thiếu nhi.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong những lần gặp trước đây, các cháu đã đề xuất, đã phản ánh và nêu những nguyện vọng của mình với các cô, chú lãnh đạo TP với cái nhìn cận cảnh trong môi trường sống, trong gia đình và xã hội. Từ những nguyện vọng ấy, các cô, chú đã lắng nghe, từ đó rất nhiều vấn đề đã thành chủ trương, chính sách được kết tinh trong nhiều quyết định lãnh đạo của các cô, chú lãnh đạo TP. Từ đó tạo ra môi trường sống cho nhân dân TP nói chung và cho các cháu thiếu nhi của TP ngày càng tốt hơn.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, TP luôn nỗ lực để điều kiện học tập của các cháu được cải thiện hơn, các cháu được sống trong môi trường tốt hơn, đồng thời ghi nhận thiếu nhi TP ngày càng trường thành hơn, nhân văn hơn và trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội hơn.
“Với tâm hồn trẻ thơ nhưng những đóng góp của các cháu rất có tâm, có tầm cho sự phát triển của TP, rất nhân ái và có trách nhiệm. Các cô, chú mong muốn các cháu sẽ nói hết những vấn đề mà các cháu quan tâm, đó không chỉ là những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các cháu mà còn truyền tải tâm tư, nguyện vọng của bạn bè tới các cô, chú lãnh đạo TP”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm gợi mở.
Nhiều học sinh còn phản ánh tình trạng người dân hoặc một số công ty xung quanh trường học đốt rác khiến các em phải chịu mùi hôi, độc hại, như em Đồng Vân Anh (học sinh Trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi) và em Ngô Triệu Vy (học sinh Trường THCS Linh Trung, quận Thủ Đức) phản ánh. Em Triệu Vy cũng cho biết, sân trường Linh Trung rất nhỏ, giờ ra chơi không đủ chỗ cho học sinh vui chơi, giờ tập thể dục các bạn phải đứng chen chúc nhau.
Em Trần Minh Như (học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3) phản ánh việc tập kết và xả rác trên đường Hùng Vương (thuộc quận 5, 10).
“Điểm tập kết rác trên đường Hùng Vương ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan và cả giao thông. Nhiều lần con đi học qua thấy các cô, chú đậu xe ép rác chiếm nửa đường, vào giờ cao điểm là kẹt xe. Có nhiều cô, chú đi thu gom rác còn chạy xe ngược chiều từ đường Trần Bình Trọng ra điểm tập kết ở đường Hùng Vương gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, Minh Như phản ánh.
Tại buổi gặp gỡ, học sinh đều trăn trở với rác đã phân loại bị đổ chung vào một thùng, một xe; tình trạng hắt nước bẩn, xả rác vào gốc cây ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, xả rác ra đường, xuống kênh và ngoài bãi biển; trong thành phố thì thùng rác công cộng tràn rác ra ngoài nhưng không được thu gom còn ở các quận, huyện vùng ven và ngoại thành thì lại thiếu thùng rác công cộng; nhà vệ sinh công cộng thiếu, cũ và mùi hôi khó chịu; căn tin trong nhiều trường học bán những món ăn không đảm bảo nguồn gốc hay những đồ chơi độc hại như slam…
Liên quan đến vấn đề về môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường ghi nhận tất cả các phản ánh, kiến nghị của đại biểu thiếu nhi TP để làm công tác tham mưu. Theo ông Thắng, năm 2018, trên toàn TP đã sửa chữa và lắp đặt 140 nhà vệ sinh công cộng, hiện sở đang làm việc với 5 doanh nghiệp để lắp đặt thêm các nhà vệ sinh hiện đại gọi là cabin NVS, sử dụng năng lượng mặt trời. Chủ trương là lắp đặt 400 cabin nhà vệ sinh. Năm 2018, sở cũng đã bố trí thêm 2.300 thùng rác công cộng, chủ yếu ở trung tâm TP. Qua phản ánh của thiếu nhi, sở tiếp thu và bố trí thêm thùng rác ở các quận, huyện ngoại thành.
Về việc các công ty đốt rác thải ảnh hưởng đến không khí trong trường học, ông Thắng cho rằng công ty mà thiếu nhi dẫn chứng ở quận Thủ Đức đã bị sở kiểm tra và xử phạt nhưng vẫn tái phạm, sắp tới sở sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý. Với kiến nghị tuyên truyền sử dụng túi thân thiện với môi trường thay bằng túi ni lông như hiện nay, ông Thắng cho biết, hiện chính phủ cũng đã có chủ trương giảm thuế cho các đơn vị sản túi dễ phân hủy nhưng chủ yếu các siêu thị sử dụng, còn các chợ chưa sử dụng nhiều. Sắp tới sở sẽ vận động tiểu thương ở các chợ sử dụng loại túi này.
Ông Thắng cũng khẳng định sẽ phối hợp với UBND quận 5, quận 10 chấn chỉnh tình trạng tập kết, thu gom rác thải trên đường Hùng Vương thuộc địa bàn 2 quận này.
Cần nhiều chương trình ngoại khóa, vui chơi giải trí
Ngoài các vấn đề về môi trường, các đại biểu thiếu nhi TP cũng bày tỏ nhiều mong muốn về thay đổi cách dạy và học để học sinh dễ tiếp thu, bớt lý thuyết, tăng thực hành và thêm nhiều khu vui chơi giải trí.
Cụ thể, em Nguyễn Hoàng Ngọc Nhi (học sinh Trường THCS Đoàn Kết, quận 6) mong các cô, chú lãnh đạo TP quan tâm sửa chữa Nhà Thiếu nhi quận 6 vì nơi đây đã xuống cấp, trang thiết bị cũ, thiếu, không đảm bảo nhu cầu vui chơi và sinh hoạt của thiếu nhi. Đồng thời tăng cường bổ sung nguồn phim 3D để thu hút thiếu nhi tới xem.
Có dịp tới Thư viên Tổng hợp TPHCM, Cao Thanh Hiếu (học sinh Trường THCS Nguyễn Duy, quận Gò Vấp) rất thích thú với mô hình thư viện thông minh tại đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tới đây, do đó Hiếu mong muốn lãnh đạo TP nghiên cứu, nhân rộng mô hình thư viện thông minh tới các quận, huyện để thiếu nhi TP thích thú hơn khi tới thư viện.
Nguyễn Đạt Mẫn (học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Thủ Đức) cũng phản ánh về việc lớp học rất đông, sĩ số từ 49-50 bạn/lớp dẫn đến tình trạng thầy, cô không quan tâm được hết tất cả các học sinh, không đủ thời gian để giải đáp các câu hỏi của học sinh. “Con còn thấy việc nhà trường bố trí học sinh vào học 6 giờ 45 phút là hơi sớm bởi lên cấp 2, chúng con phải đi học thêm, làm bài tập về nhà nhiều, khi được nghỉ ngơi cũng đã 11-12 giờ khuya. Do đó việc vào học buổi sáng quá sớm khiến chúng con không được ngủ đủ giấc, tiếp thu bài chậm”, Mẫn bày tỏ thêm.
Nhiều đại biểu thiếu nhi băn khoăn với việc có quá ít chương trình ngoại khóa, các chương trình rèn luyện kỹ năng sống hay các kênh truyền hình dành riêng cho thiếu nhi TP.
Em Đặng Thị Yến Lam (học sinh Trường THCS Bình Quới, quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Con mong muốn có một kênh truyền hình về giáo dục cho học sinh, ở đó chuyên dạy kiến thức phổ thông, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi học trò. Con nghĩ, nếu có kênh này sẽ giúp chúng con có thêm kiến thức, ít tham gia các trò chơi vô bổ trên máy tính, đó cũng là nơi để những bạn vùng sâu vùng xa theo dõi và học tập”.
“Tôi nghĩ, thiếu nhi TP cũng là kênh giám sát để lãnh đạo TP và các sở, ngành làm tốt hơn. Các tổ chức cần có kênh tiếp thu các ý kiến của các cháu một cách thường xuyên. Tại sao mỗi trường không có một cây sáng kiến, để các em ghi lại những ý kiến mà mình muốn bày tỏ? Về sinh hoạt đội, dù các em không nói nhưng tôi thấy có sự bất hợp lý. Tại sao tiết sinh hoạt nhóm, sinh hoạt Đội lại là ngoại khoá mà không là chính khoá? Kể cả giờ chào không có đánh trống Đội là không hợp lý, đề nghị nhà trường nghiên cứu, kiến nghị về hoạt động Đội trong nhà trường, có gì chưa phù hợp thì điều chỉnh”, đồng chí Võ Thị Dung gửi gắm.
Từ những phản ánh, kiến nghị của thiếu nhi TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM nghiên cứu xây dựng kênh truyền hình dành cho thiếu nhi; giao Sở Văn hóa nghiên cứu nhân rộng mô hình thư viện thông minh, đẩy mạnh phong trào đọc trong nhân dân, nhất là các cháu nhỏ; giao Sở TN-MT phối hợp Sở GD-ĐT nghiên cứu để có chương trình ngoại khóa về môi trường; các sở, ngành liên quan nghiên cứu để đưa học sinh đi tham quan các bảo tàng miễn phí; tổ chức các buổi thảo luận, tuyên truyền về bạo lực học đường; giao Thành đoàn tổ chức thêm nhiều hội trại, các hoạt động đội...
Về sân chơi của thiếu nhi TP hiện rất thiếu, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đang có dự án xây dựng những sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi, đảm bảo cho các cháu tiếp cận được các thiết bị thông minh của một thành phố thông minh.
Ngoài những chỉ đạo cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng “đặt hàng” thiếu nhi TP. Hiện TP đang có cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch vì một thành phố sạch và không ngập nước, qua đó đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn các cháu thiếu nhi tham gia, tuyên truyền cho người thân, bạn bè mình tham gia. Đồng thời khuyên các cháu thiếu nhi không phụ thuộc vào smartphone mà dành thời gian đọc thêm lịch sử để hiểu hơn về TP, về dân tộc mình; thời gian rảnh nên tham gia vào các hoạt động Đội, phụ giúp gia đình những công việc nhỏ để rèn luyện kỹ năng sống.