Đến dự và lắng nghe ý kiến các bạn sinh viên có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM.
Nổi bật là vấn đề sinh viên cần một kênh trung gian để kết nối các ý tưởng khởi nghiệp của mình với các doanh nghiệp đang tìm nơi đầu tư. Bạn Huỳnh Tuấn Cương, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng đó có thể là 1 trang web khởi nghiệp chung để sinh viên đưa ý tưởng dù lớn hay nhỏ lên đấy.
Ở kênh này, sinh viên có thể mô tả chi tiết ý tưởng khởi nghiệp của mình và doanh nghiệp có thể tìm kiếm kênh đầu tư tại đây. Một sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng hiện nay sinh viên có rất nhiều ý tưởng hay và đã tham gia các cuộc thi, thậm chí đạt giải thưởng. Nhưng sau cuộc thi, rất ít dự án được hỗ trợ để trở thành hiện thực. Sinh viên đề xuất lãnh đạo TP có các chính sách hướng dẫn, hỗ trợ để các đề án tiếp tục được phát triển.
Ngoài ra, các đề xuất của sinh viên xoay quanh vấn đề tạo điều kiện để sinh viên có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu sản phẩm mới theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tạo điều kiện và giao nhiệm vụ để các nhóm nghiên cứu trẻ tham gia nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, nhất là các huyện ngoại thành, về các ngành nghề nông nghiệp, thủy sản, nhằm tạo được sản phẩm có giá trị và lợi thế cạnh tranh cao.
Để cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, sinh viên mong muốn có thêm các nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn chính thống để những sinh viên muốn tham gia khởi nghiệp sẽ được kết nối, hướng dẫn và có quỹ để hỗ trợ khi có ý tưởng hay.
Hiến kế xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, nhiều sinh viên cho rằng ngoài tăng cường tuyên truyền, định hướng lối sống tích cực cho đoàn viên, thanh niên, các cấp ban ngành cần tạo điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh và nhân rộng những điển hình sống tốt, lan tỏa đến cộng đồng. Cụ thể có thể phát động phong trào “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.
Ngoài ra, các ý kiến về việc dùng các ứng dụng thông minh để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại các trường, khám chữa bệnh, giao thông công cộng, xe đạp thông minh… cũng được sinh viên hiến kế.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, nhiều phim khoa học viễn tưởng những năm 1980 nay đã thành hiện thực. Do đó đồng chí Trần Vĩnh Tuyến mong muốn sinh viên hãy mạnh dạn với các ý tưởng sáng tạo của mình. Hiện Nhật Bản đã có đề án công nghệ 5.0, điều này cho thấy công nghệ luôn phát triển liên tục, do đó các ý tưởng không thể chỉ dừng lại ở ý tưởng tại các cuộc thi mà phải trở thành hiện thực. TPHCM có nguồn nhân lực mạnh, nhưng chưa đồng bộ, nếu được kết nối sẽ giúp TP trở thành đô thị thông minh trong tương lai gần.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng đặt hàng Thành đoàn, nếu các ý tưởng, sản phẩm đạt chất lượng 8/10 so với yêu cầu thì TP sẽ ưu tiên đầu tư. “TP sẽ xây dựng 4 trung tâm, đó là: trung tâm dữ liệu mã nguồn mở; trung tâm điều hành chung; trung tâm mô phỏng chiến lược; trung tâm công nghệ thông tin, các bạn có thể tham gia góp ý tưởng trực tiếp. Tôi kêu gọi sinh viên hãy bắt tay vào cuộc”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP sẽ tạo không gian cho sinh viên nghiên cứu, học tập, phát triển các ý tưởng. Hiện TP có trên 1 triệu sinh viên. Đây là những nhà trí thức tương lai, những người sẽ đem trí tuệ của mình đóng góp cho TP. Khuyến khích sinh viên sáng tạo, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết lẽ ra phải cần 22% đất dành cho giao thông, nhưng hiện TPHCM chỉ có 8,5% đất dành cho giao thông. Và dân số hiện gần 13 triệu người. Vậy để giải bài toán giao thông cho hơn 7 triệu xe gắn máy, 700.000 xe ô tô, TP chờ những giải pháp, hiến kế của sinh viên – những nhà trí thức trẻ.
Đồng chí Chủ tịch UBND TP nhớ lại thời sinh viên của mình hơn 30 năm trước. “Khi đó tôi không có nhiều điều kiện như các bạn sinh viên hiện nay. Nhưng chúng tôi có say mê, hoài bảo, cố gắng học giỏi, tham gia công tác đoàn hội để học tập và rèn luyện tốt hơn. Từ đó đem trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của TP. Tôi tin các bạn làm được hơn chúng tôi ngày ấy”.