Đó là những trăn trở của các cán bộ công đoàn, công nhân viên chức, người lao động tại buổi gặp gỡ cùng lãnh đạo TPHCM vào sáng ngày 30-7, nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập công đoàn Việt Nam. Tham gia buổi gặp gỡ có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban dân vận Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ VN TPHCM; Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cùng lãnh đạo các Sở ban ngành đoàn thể trên địa bàn TPHCM và gần 300 chủ tịch công đoàn cơ sở, các kỹ sư, công nhân tiêu biểu đang làm việc tại các doanh nghiệp tại TPHCM.
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam cho rằng nhà nước cần đưa ra mức lượng tối thiểu cao hơn hiện nay, chứ không cần đưa ra mức như hiện nay rồi khuyến khích doanh nghiệp trả cao hơn. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp báo cáo trả lương cao hơn lương tối thiểu nhưng thực tế sự chênh lệch rất ít.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết luật quy định khi người lao động có qua đào tạo nghề, làm việc trong môi trường độc hại thì mức lương phải được tính cao hơn, chứ không chỉ căn cứ vào lương cơ bản.
Một vấn đề các đại biểu cũng rất quan tâm là chỗ ở của công nhân lao động hiện nay còn rất xập xệ. “Trước đây, khi các nông trường mọc lên thì đi kèm đó là nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con công nhân nhằm giúp người lao động an tâm làm việc. Còn hiện nay, các KCN thu hút hàng ngàn người lao động nhưng không có khu lưu trú nào, nhà trẻ thì thiếu, lại ở xa, không nhận giữ trẻ ngoài giờ nên nhiều lao động phải gởi con về quê khiến gia đình phải xa nhau. Ngoài ra, Người lao động đang phải ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội, xập xệ, lầy lội với mức thuê và chi phí điện nước cao. Như vậy, liệu người lao động có an tâm làm việc?” – ông Biên đặt vấn đề.
Các đại biểu mong TP đầu tư xây dựng nhiều công trình nhà ở xã hội và có nhiều hình thức hỗ trợ người lao động như bán, cho thuê hoặc thuê mua trả góp, nhằm tạo điều kiện cho công nhân có nơi ở ổn định.
Bên cạnh các ý kiến đóng góp về môi trường, chỉnh trang đô thị, kẹt xe, ngập nước thì vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa, BHXH, nguồn nhân lực cũng được đề cập. Các hiến kế xoay quanh việc TP cần quan tâm tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong công tác đào tạo để có được nguồn nhân lưc gắn với nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp.
Tuổi nghỉ hưu cũng được các đại biểu quan tâm, anh Mai Thanh Thảo, công nhân chế tác nữ trang, Xí nghiệp SJC Tân Thuận kiến nghị TP xem xét lai tuổi nghỉ hưu theo từng ngành. Như ngành nữ trang anh đang làm việc thì khi 50-55 tuổi mắt đã mờ, tay không chuẩn như vậy rất khó tạo ra được sản phẩm tinh thế. Do đó việc tăng tuổi hưu cần tính theo từng ngành và cấp bậc.
Đồng chí Trần Kim Yến cho rằng, năm 2017 thực hiện chủ đề Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn, bên cạnh triển khai, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, vướng mắc của doanh nghiệp, lãnh đạo TPCHM, các cấp chính quyền, đoàn thể rất quan tâm thực hiện các chương trình chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, trong đó rất quan tâm đến công nhân, người lao động. Cụ thể nhiều chính sách, mô hình hay đã được triển khai.
Lắng nghe tất cả những ý kiến, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là dịp để cán bộ công đoàn, công nhân viên chức, người lao động nói lên tâm huyết và trách nhiệm của mình trong đóng góp cho sự phát triển của TP. “Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận cùng các đoàn thể TP luôn quan tâm, tạo điều kiện để mọi người dân được lao động, học tập trong môi trường tốt nhất. Công tác chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân, đặc biệt là các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, người lao động được thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo TP rất cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để cùng góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” – Chủ tịch UBND TP bày tỏ.