Tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM; cùng 50 công nhân, công chức, viên chức tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,4 triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, người lao động của TPHCM.
Nghe về nhà ở xã hội nhưng không biết mua ở đâu!
Tại buổi gặp gỡ, đoàn viên, công nhân lao động bày tỏ sự quan tâm về việc tạo điều kiện để người lao động thu nhập thấp có cơ hội mua được nhà ở xã hội, về trường học cho con, giá thuê nhà, lương chưa tăng, giá đã tăng.
Anh Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tico, chia sẻ, ngành hoá chất là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đa số người lao động ở các tỉnh lên thành phố làm việc. Tuy nhiên, giá thuê nhà ở thành phố cao, công nhân lao động thuê nhà ở vùng ven, nên việc đi lại có phần khó khăn. Vì vậy, anh Lâm mong lãnh đạo thành phố quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân được tiếp cận các chính sách, chủ trương và các nội dung về nhà ở xã hội.
Còn anh Nguyễn Trần Đăng Minh, Công ty Dịch vụ Công ích quận 10 bày tỏ trăn trở việc đã nghe nhiều về nhà ở xã hội trên tivi, báo đài nhưng không thấy đâu, cũng không rõ mua ở đâu, vay tiền như thế nào, được hỗ trợ ra sao. Theo anh Minh, 2 vợ chồng cùng đi làm công nhân thì thu nhập tầm 15, 16 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chỉ dư tầm 2-3 triệu đồng. Nếu vay tiền mua nhà ở xã hội thì rất lo tiền trả hàng tháng. Nhiều ý kiến cũng nêu mong muốn được tạo điều kiện để mua nhà ở xã hội, hoặc thuê nhà với chi phí thấp hơn so với hiện nay.
Anh Trương Hoài Phong, nhân viên Siêu thị Co.op Thắng Lợi (HTX Thương mại TPHCM) cho biết, đa số người lao động làm việc theo ca, nên mong các trường công mở rộng việc giữ trẻ để tạo thuận lợi cho người lao động đưa đón con sau ca trực. Cùng ý kiến này, bà Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May da Xuất khẩu 30-4 (quận Phú Nhuận) chia sẻ, việc con công nhân xin vào học ở trường công lập rất khó, nhiều trường lại không có bán trú, trong khi đó người lao động phải làm việc cả ngày, không ai đưa rước con. Còn trường tư có bán trú thì chi phí học lại quá cao, trong khi lương công nhân hiện nay còn thấp.
Cải thiện nơi ở, thêm các chính sách cho công nhân lao động
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động, sáng tạo của đoàn viên, người lao động thời gian qua đã đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Và mong tinh thần sáng tạo trong đội ngũ công nhân lao động sẽ ngày càng nhiều hơn để tiếp tục đóng góp cho thành phố. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, thành phố luôn thấy trách nhiệm tạo ra môi trường tốt để phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, thành phố cam kết tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động tốt, từ đó có môi trường để người lao động làm việc, có thu nhập và cơ hội để đóng góp cho thành phố.
Trao đổi về vấn đề nhà ở xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, thời gian qua, các dự án nhà ở xã hội của thành phố có số lượng rất ít do vướng mắc về quy hoạch, đất đai, kể cả hiệu quả nên doanh nghiệp đầu tư chưa nhiều. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay số lượng đã thực hiện rất ít. Hiện, Thủ tướng Chính phủ có giao cho TPHCM 26.200 căn nhà ở xã hội. Thành phố phấn đấu trong năm 2025 thực hiện xây dựng nhà ở xã hội ít nhất đạt được chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và phấn đấu theo chỉ tiêu của thành phố 35.000 căn. Các dự án hiện tại đã xác định được vị trí. UBND thành phố giao Sở Xây dựng có thông tin để LĐLĐ thành phố thông tin đến công đoàn cơ sở và người lao động.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, để giải quyết vấn đề nơi ở cho người lao động, thành phố cho rà soát lại để người lao động có nơi ở tương đối thoải mái, đảm bảo các yêu cầu sinh hoạt tối thiểu. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu các chính sách để có thể hỗ trợ tiền điện, nước, sinh hoạt phí liên quan đến nhà trọ cho người lao động.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cam kết đầu tư để cải thiện môi trường chung của thành phố, môi trường làm việc, chăm lo cho người lao động được tốt hơn, cũng như thực thi các quy định đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động ngày càng tốt hơn.
Về chỗ học của con em công nhân, người lao động. Hiện, thành phố đang cố gắng phủ các trường đến các địa bàn. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận việc không chỉ thiếu trường, phòng học, mà còn cả việc lệch pha về tháng tuổi nhận trẻ đến trường mầm non, thời gian trường đóng cửa sớm so với giờ tan ca của công nhân. Theo đó, lãnh đạo UBND thành phố sẽ có ý kiến với ngành giáo dục, các quận, huyện, TP Thủ Đức nghiên cứu có cơ chế, chính sách để các cơ sở giáo dục tiếp cận tối đa nhu cầu của người lao động.
Về học phí, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND thành phố đang cân nhắc và sẽ báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có chính sách miễn, giảm học phí cho con em người lao động. Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu để có chương trình hàng năm bố trí ngân sách chăm lo sức khỏe người lao động, ít nhất mỗi năm được khám sức khỏe một lần. Có chính sách hỗ trợ điều trị khi có tình huống ngoài bảo hiểm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM Trần Đoàn Trung, tháng 5 hàng năm được chọn là Tháng công nhân và năm 2024 là lần thứ 16 Tháng công nhân được tổ chức tại TPHCM. Mục đích và ý nghĩa quan trọng của Tháng công nhân là tôn vinh giá trị của lao động, qua đó nâng cao nhận thức về đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Sau đại dịch Covid-19, LĐLĐ thành phố có sáng kiến tổ chức chương trình “Cảm ơn người lao động” trong Tháng công nhân nhằm ghi nhận, biểu dương thành quả lao động, sản xuất, những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động tham gia ứng phó đại dịch và khôi phục kinh tế – Chương trình được triển khai đều khắp các cấp công đoàn thành phố.
Thông qua chương trình “Cảm ơn người lao động”, LĐLĐ thành phố cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn công sức, cống hiến của người lao động – là vốn quý của mỗi doanh nghiệp thông qua những hành động thiết thực vì việc làm bền vững, phúc lợi tốt hơn. Đây cũng là dịp để lãnh đạo thành phố ghi nhận những đóng góp của đội ngũ lao động đang ngày đêm nỗ lực vì sự phát triển của thành phố.