Tham dự buổi gặp gỡ có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM chủ trì buổi gặp gỡ.
Làm sao để nhà giáo sống được bằng lương là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại buổi gặp gỡ. Theo TS. Huỳnh Công Minh, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, muốn giáo dục phát triển bền vững phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý cho giáo viên. “Làm sao người giáo viên có thể toàn tâm toàn ý đóng góp cho nghề khi đứng trên bục giảng mà đầu óc phải lo nghĩ nhiều chuyện khác, luôn tất bật với cuộc sống hàng ngày do thu nhập còn hạn chế?”, TS. Huỳnh Công Minh bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS. Hồ Thiệu Hùng, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết tương lai của một quốc gia phụ thuộc vào sự quan tâm của nhà nước dành cho giáo dục, tương lai của giáo dục phụ thuộc vào cách cư xử đối với nhà giáo.
Theo phân tích của các nhà giáo, chính vì đồng lương không đủ sống khiến nhiều giáo viên dù yêu nghề cũng khó gắn bó lâu dài hoặc cống hiến hết mình cho giáo dục. Giáo viên đang công tác thu nhập không cao, giáo viên về hưu lại còn khó khăn hơn.
ThS. Phan Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT quận Tân Bình, nêu ý kiến bất cập trong tuyển dụng viên chức hiện nay là vận dụng trả lương theo bậc học, không tương xứng năng lực và trình độ đào tạo của giáo viên. Chưa kể giáo viên khi chuyển công tác về sở, ngành đều bị “cắt” hết phụ cấp, gây thiệt thòi cho người thầy giáo.
Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần nghiên cứu về vấn đề tài chính cho giáo dục, đưa ra được những chính sách mang tính đổi mới tư duy.
Ngoài ra, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đề xuất, cơ chế tự chủ cho TPHCM chính là cơ hội giúp TP thực hiện cải cách chế độ tiền lương, giúp giáo viên hiện thực hóa ước mơ có thể sống được bằng nghề. Thêm vào đó, công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó có tăng cường giao quyền tự chủ, trách nhiệm cho hiệu trưởng là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh giúp các trường có cơ hội đầu tư tốt hơn cho công tác quản lý và giảng dạy.
Ở góc độ khác, TS. Huỳnh Công Minh trăn trở về tình hình đạo đức, hạnh kiểm của học sinh, sinh viên hiện nay.
“Chúng ta chỉ tập trung giáo dục đạo đức ở bậc trung học, trong khi mầm non và tiểu học mới là lứa tuổi xây dựng nền tảng nhân cách của các em. Sự hợp tác giữa nền tảng văn hóa trong xã hội với giáo dục trong nhà trường còn rời rạc, ai cũng làm mà hiệu quả không cao”, TS. Huỳnh Công Minh bày tỏ. Vì vậy, theo đề xuất của nhiều đại biểu, TP cần quan tâm nhiều hơn nữa giáo dục ngoài nhà trường, phát huy vai trò và hiệu quả của xây dựng mô hình xã hội học tập.
Đáp lại tất cả băn khoăn, kiến nghị đó, đồng chí Tất Thành Cang khẳng định giáo dục TPHCM đang đứng trước rất nhiều thử thách. Từ tốc độ tăng dân số cơ học không ngừng tăng cao đến kinh phí còn hạn chế, cơ chế đầu tư cho giáo dục chưa thật sự tối ưu, chế độ tiền lương không thu hút, cải cách chương trình, sách giáo khoa chậm đổi mới...
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, đồng chí nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong công cuộc xây dựng đất nước, trong đó có nhiệm vụ phát triển TP.
Lãnh đạo TPHCM sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp, nghiên cứu chính sách tháo gỡ để động viên cả về tinh thần lẫn vật chất đối với đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.