Dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.
Tại lễ tưởng niệm, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cho biết, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra khắp 18/21 tỉnh thành ở Nam kỳ. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân đã bị bắt và xử bắn.
Riêng tại Hóc Môn, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã dựng lên 3 trường bắn: trường bắn cạnh Rạp hát của Quận lỵ Hóc Môn, trường bắn cạnh Nhà thương Giếng nước (trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn ngày nay) và trường bắn Ngã Ba Giồng bằng lăng (nay là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc Gia Ngã Ba Giồng) để xử bắn các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhiều chiến sĩ, đồng bào ta.
Đồng chí Trần Văn Khuyên nhấn mạnh, tinh thần cách mạng trung kiên của những người chiến sĩ cộng sản vẫn mãi trường tồn. Quê hương Hóc Môn, vùng đất 18 thôn vườn trầu đã ôm những người con ưu tú của đất nước vào lòng, yên nghỉ vĩnh hằng.
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ sự tri ân, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, các thương binh và gia đình có công với nước, những người đã hy sinh và chịu nhiều gian khổ để đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, chăm lo hương khói cho các anh hùng, liệt sĩ, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với đất nước là việc làm có ý nghĩa nhân văn và thiết thực. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn luôn đoàn kết một lòng, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước cách mạng, phấn đấu xây dựng huyện ngày càng phát triển toàn diện và bền vững.