Ngày 31-8, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc và đối thoại doanh nghiệp TPHCM năm 2022.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Hội nghị thu hút sự tham dự của 240 doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghệ cao TPHCM.
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã bày tỏ mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm khôi phục kinh doanh. Với phương châm “lắng nghe và hành động”, HĐND TP đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp gởi đến chương trình. Trong đó, tập trung những vấn đề nóng mà TP đang nổ lực giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng tốc sản xuất. Cụ thể:
Về thủ tục hành chính: Doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính hiện nay còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo tốn chi phí; đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các doanh nghiệp về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động thực hiện; công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; cần áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy.
Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực - Lao động việc làm: Doanh nghiệp cho rằng có tình trạng nguồn lao động khan hiếm, thiếu nhóm lao động công nhân kỹ thuật có tay nghề, kể cả lao động phổ thông, trung cấp tuyển dụng rất khó khăn; cần có chính sách thu hút lao động phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lục và tạo thêm các kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm; tăng nguồn cung lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động.
Về chính sách Tài chính - Tín dụng - Thuế - Phí: Doanh nghiệp đề xuất cần tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, TP cần đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp...
Về đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng: Doanh nghiệp mong muốn TP cần đẩy mạnh việc huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả...
Về kết nối doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương: thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau dịch Covid-19; hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực của TP; công tác phối hợp tổ chức thực hiện chính sách cần phải đồng bộ minh bạch, chi tiết và thông suốt...
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có những ý kiến cụ thể như: các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước kiến nghị cơ sở hạ tầng đường sá Khu công nghiệp Hiệp phước còn chưa đảm bảo, cần cải thiện kết nối đường, cơ sở hạ tầng với các địa bàn khác được thông thoáng hơn nữa, có kế hoạch sửa chữa lại đường sá, chống ngập mưa, thuỷ triều; Thu hút đầu tư, thu hút lao động, xây dựng thêm chung cư, xây dựng thêm khu lưu trú, nhà trẻ, khu vui chơi, công viên, trường học, trường dạy nghề đạt chất lượng đáp ứng đủ yêu cầu lao động cho khu công nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị hỗ trợ nạo vét khơi thông tuyến hàng hải qua sông Soài Rạp để các tàu tải trọng lớn có thể cập cảng ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất....
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm, TP tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phát triển. Hiện TPHCM đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện mới. Trong đó, chiến lược được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (đến hết năm 2022), TPHCM sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2025, TP sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, triển khai các giải pháp, chương trình đã được chuẩn bị theo tinh thần của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11; giải quyết các điểm nghẽn để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP.