Đoàn đến dự lễ giỗ 81 năm ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng: đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến...
Đoàn đại biểu tại Di tích Lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG Ngày 28-8, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh để dành độc lập dân tộc tại Di tích Lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
Đi cùng đoàn có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM…
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp nén nhang tri ân, tưởng nhớ các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại Di tích Lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thắp nén nhang tri ân tại Di tích Lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu và đồng chí Nguyễn Thị Lệ thắp nén hương thơm tri ân. Ảnh: HOÀNG HÙNG Tại Di tích Lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng, đoàn đại biểu đã dành một phút mặc niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh để dành độc lập tự do cho dân tộc.
Di tích Lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng là nơi trước đây thực dân Pháp đã dựng trường bắn để xử kín, xử lén các chiến sĩ cách mạng. Tại trường bắn này, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cùng rất nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại mảnh đất Ngã Ba Giồng...
Đoàn đến dự lễ giỗ 81 năm ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng: đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (28-8-1941 – 28-8-2022), gắn với lễ tưởng niệm, cầu siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại Di tích Lịch sử cấp Thành phố “Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9 năm 1940”. Ảnh: HOÀNG HÙNG Trước đó, đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại Đài tượng niệm các liệt sĩ hy sinh Nhà thương Giếng nước và Di tích Lịch sử cấp Thành phố “Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9 năm 1940”. Đoàn cũng đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nguyên lãnh đạo Đảng, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để dành độc lập, tự do cho dân tộc.
Đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh Nhà thương Giếng nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã lập nhiều trường bắn để giết hại chiến sĩ, đồng bào yêu nước huyện Hóc Môn và các vùng lân cận. Tại địa điểm lịch sử này, Nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn) vào ngày 28-8-1941, các đồng chí: Hà Huy Tập, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; Võ Văn Tần, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Xứ ủy viên, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; Nguyễn Hữu Tiến, nguyên Thành ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn cùng nhiều chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.
Đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Đài tượng niệm các liệt sĩ hy sinh Nhà thương Giếng nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG Cách đây 82 năm, Di tích Lịch sử cấp Thành phố “Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9 năm 1940” là nhà của bà Nguyễn Thị Hương, là nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập hội nghị. Hội nghị diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23-9-1940. Hội nghị đã vạch ra đường hướng cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và trao quyền cho Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghĩa vào đêm 22, rạng sáng ngày 23-11-1940. Cuộc khởi nghĩa mang một ý nghĩa hết sức to lớn, là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là tiền đề tiến đến Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.
VĂN MINH