Phát biểu tại buổi thăm đồng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành biểu dương nông dân áp dụng tốt các biện pháp canh tác và đánh giá cao tính hiệu quả mà mô hình mang lại, đặc biệt là thực hiện đúng mục tiêu trọng tâm của đề án. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị, tới đây ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình để góp phần nâng cao giá trị và nguồn thu nhập cho người trồng lúa, đồng thời bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…
Được biết, nông dân tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy đã áp dụng phương pháp sạ cụm, với lượng lúa giống gieo sạ 60kg/ha, sử dụng phân bón từ 300-450kg/ha, không phun thuốc trừ sâu, dịch bệnh trong 40 ngày sau sạ và áp dụng quản lý nước tưới theo kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”. Các trà lúa hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, cây lúa đồng đều, bông vàng trĩu hạt. Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh Hậu Giang có 15.600ha được nông dân sản xuất theo mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ngoài giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 60kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích trong đề án áp dụng quy trình canh tác bền vững và có liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Hậu Giang là tỉnh đi tiên phong tại ĐBSCL khi tới đây, 100% rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng, từ đó giúp giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống, giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%.