Hội đàm thượng đỉnh, theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ được mở rộng với thành phần tham gia gồm các bên liên quan để thảo luận về "an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu". Thông cáo nhấn mạnh rằng các bước chuẩn bị sẽ bắt đầu giữa Nga và Mỹ vào ngày 24-2 tới.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki nói rõ Mỹ cam kết theo đuổi tiến trình ngoại giao kể từ khi căng thẳng tại khu vực Ukraine leo thang và Tổng thống Biden đã chấp nhận trên nguyên tắc một cuộc gặp với Tổng thống Putin nếu giao tranh không nổ ra giữa Moscow và Kiev.
Trước đó một ngày, loạt quan chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng bảo vệ quyết định trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, bất chấp sức ép ngày càng gia tăng từ phe đối lập ở Mỹ.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng mục đích của các biện pháp trừng phạt trước hết là nhằm ngăn chặn Nga không đi tới chiến tranh và một khi kích hoạt những biện pháp trừng phạt đó thì việc ngăn chặn cũng không còn.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Ngoại trưởng Blinken rằng vẫn còn “con đường ngoại giao” để ngăn chặn bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Về phần mình, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định việc trừng phạt Nga ngay lúc này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình tại Ukraine.
Cũng trong ngày 20-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng những cam kết được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm cùng ngày là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng người đứng đầu Điện Kremlin vẫn sẵn lòng tham gia vào giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng liên quan Ukraine.
Theo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Johnson đã thảo luận với ông Macron sau khi Tổng thống Pháp có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga.