Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể lĩnh lương vài tỷ đồng/năm, nếu làm ra tiền

Sáng 21-11, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có phát biểu đáng chú ý tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, (DNNN) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.


Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo ông, cần xác định rõ DNNN là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế trong thời gian tới. Mục tiêu của chúng ta là tái cơ cấu để nâng tầm của doanh nghiệp. Hiện chúng ta yêu cầu các DNNN phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường; thay đổi quản trị doanh nghiệp, áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế; tiếp đó mới là cổ phần hóa (CPH), thoái vốn.  “Nhưng từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ nói đến CPH, thoái vốn, trong khi đó 2 vấn đề trên còn quan trọng hơn. Dường như chúng ta đang làm ngược, lẽ ra phải làm tốt 2 điều trên trước khi làm tốt CPH, thoái vốn”,  ông Nguyễn Đình Cung nói.

Ông cũng đánh giá cao quan điểm áp dụng nguyên tắc thị trường đối với DNNN, nhà nước không còn cấp vốn. Tuy nhiên, ngay trong vấn đề này vẫn còn bất cập, đó là chưa tính đúng tính đủ các chi phí theo thị trường với các DNNN, mà hiện chỉ mới đánh giá khi tiến hành định giá để CPH, bởi theo ông, giá trị thực có thể cao hơn với giá trị trên sổ sách, nếu chúng ta không tính toán thì không rõ được sức mạnh của các DNNN.

Cùng với đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, đó là điểm rất gò bó, ràng buộc. Ví dụ phổ biển như DNNN không được tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho cán bộ, người lao động theo nguyên tắc thị trường. “Khi có ai đó được trả lương 1-1,5 tỷ đồng/năm thì xã hội cho là rất cao. Trong khi đó, vấn đề là họ làm được bao nhiêu tiền, chứ không phải là đồng lương kia”, ông dẫn chứng và cho rằng, vẫn còn khiếm khuyết  trong việc tạo cơ chế cho DNNN hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Vấn đề nữa là quản trị doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng vẫn còn khoảng cách quá xa so với yêu cầu cũng như thông lệ thế giới. Ví dụ yêu cầu công khai minh bạch thông tin, đây là điều rất dễ làm, làm không mất tiền để nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Về CPH DNNN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nên thiên về chất lượng, không chạy theo số lượng. Nguyên tắc là CPH phải biến một tài sản không tốt thành tốt, chứ không được làm ngược lại, như vậy thì mới nâng cao được sức mạnh của DNNN.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị, với tư cách là chủ sở hữu, Thủ tướng, Chính phủ thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhiệm vụ, chỉ tiêu đủ cao để chỉ những người đủ lực tối đa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ đó, không phải giao nhiệm vụ mà bất cứ ai cũng có thể hoàn thành. “Như thế hãy chọn đầu tư, gây áp lực đầu tư, bằng cách chọn đầu tư trọng điểm, có hiệu quả.

Chính phủ cần định hướng lại đầu tư vào DNNN, có như vậy thì sau vài năm chúng ta mới có thể có vài tập đoàn kinh tế lớn tầm khu vực, thế giới”, ông Nguyễn Đình Cung nói. Dẫn chứng cho điều này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, hiện nay doanh nghiệp đứng thứ 500 doanh nghiệp lớn thế giới thì họ có doanh thu 24 tỷ USD, nhưng 3 “ông  lớn” của Việt Nam là tập đoàn Viettel, dầu khí, điện lực cũng chỉ có doanh thu khoảng 11 tỷ USD.

“Do đó, định hướng đầu tư của Chính phủ phải thay đổi trong thời gian tới. Cùng với đó, phải tháo bỏ các rào cản kinh doanh để DNNN được tự chủ kinh doanh”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm. 

Tin cùng chuyên mục