Theo Báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính (QĐHC) của chủ tịch UBND, UBND vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội, trong 3 năm (2019 - 2021), cả nước có 21.038 QĐHC, hành vi hành chính (HVHC) của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện, chiếm 9% trên tổng số khiếu nại hành chính. Đây là cuộc giám sát chuyên đề do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành.
Tuy nhiên, so với giai đoạn trước (2015 - 2017) thì tình hình khiếu kiện hành chính trong 3 năm 2019 - 2021 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, số QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện tăng so với giai đoạn trước: tăng 9.858 về số lượng quyết định, hành vi bị khiếu kiện và tăng 3,1% về tỷ lệ tính trên tổng số khiếu nại hành chính (trong giai đoạn 2015-2017: có 11.180 QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện, chiếm 5,9% trên tổng số khiếu nại hành chính).
Khiếu kiện hành chính vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh so với cả nước; đã và đang có nhiều dự án triển khai phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Kiên Giang, Long An, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Các khiếu kiện vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (chiếm tỷ lệ 91%). Trong đó, nhiều địa phương, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm gần 100%.
Đáng lưu ý, số QĐHC, HVHC bị tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng so với giai đoạn trước. Cụ thể, đã có 1.921 QĐHC, HVHC bị tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần vì trái pháp luật trên cả nước, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015-2017. Trong đó, có những địa phương, QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy chiếm tỷ lệ khá cao trên tổng số quyết định, hành vi bị khiếu kiện (như tỉnh Long An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lào Cai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi…)
Nhìn nhận việc các cấp chính quyền địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành QĐHC, thực hiện các HVHC, cũng như đã quan tâm hơn đến công tác giải quyết vụ án hành chính, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, một số địa phương, UBND hoặc người đại diện đã tham gia 100% cả phiên đối thoại và phiên toà, nhờ đó tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số vụ án đã tổ chức đối thoại là rất cao. Tại TPHCM, trong tổng số 194 vụ án tổ chức đối thoại thì đối thoại tới 143 vụ, chiếm tỷ lệ 73,7%.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, cũng còn chủ tịch UBND, UBND tại nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật TTHC; không chấp hành nghiêm quy định của Luật TTHC, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa. Theo báo cáo của Chính phủ trong 3 năm (2019 - 2021) có tới 32,6% số phiên đối thoại và 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện.
Đáng lưu ý, tại nhiều địa phương mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng chủ tịch UBND hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt (ví dụ: Sóc Trăng: vắng 78/88 phiên đối thoại; Lạng Sơn: vắng 46/65 phiên tòa; Yên Bái: vắng 47/59 phiên tòa; Đà Nẵng: vắng 67/88 phiên tòa ...).
Cá biệt, có địa phương, UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa, như: chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND các cấp tại tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 100% các phiên đối thoại; chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng) vắng mặt 100% tại cả phiên đối thoại và phiên tòa.