Tại cuộc họp báo, ông Lê Văn Nho, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành khẳng định, việc Công ty Hương Thành được cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non trên địa bàn huyện là sự lựa chọn của các hiệu trưởng do đã được giao quyền tự chủ, tự quyết định, không có chuyện lãnh đạo huyện hay phòng giáo dục can thiệp vào vấn đề này.
Liên quan đến phản ánh của nhiều phụ huynh việc thịt heo có sán và thịt gà đông lạnh có mùi hôi thối được đưa vào bếp ăn trường học, đại diện UBND huyện Thuận Thành cho biết đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện dừng nhận cung cấp thực phẩm từ Công ty Hương Thành và tạm đình chỉ công tác với Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Khương và một số cán bộ liên quan, chờ xử lý trước khi có đầy đủ thông tin.
Đồng thời, UBND huyện Thuận Thành cũng chỉ đạo cơ quan công an và Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm định nhưng do thịt heo nghi nhiễm sán được phát hiện vào ngày 14-2 và 20-2 "nên cơ quan chức năng không lấy được mẫu thịt heo để xét nghiệm".
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, chưa thể khẳng định có mối liên hệ giữa vi phạm an toàn thực phẩm ở Trường Mầm non xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành) với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán heo.
Bởi lẽ, các mẫu thịt, thực phẩm được sử dụng tại Trường Mầm non xã Thanh Khương không được lưu "và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có".
"Bên cạnh đó, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh...".
"Phải khẳng định rõ ràng rằng, không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán...", ông Phong nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, khi xảy ra vụ việc nhiều trẻ nhỏ ở Thuận Thành bị nhiễm sán heo, Bộ Y tế đã tham vấn thông tin từ đại diện Tổ chức Y tế Thế giới và nhận được trả lời là "giun sán có ở mọi nơi", không phải chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng có thể nhiễm sán.
"Qua điều tra dịch tễ, không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà nhiều tỉnh khác cũng có sán, giun, ký sinh trùng đường ruột".
Theo ông Phong, hiện nay, việc điều trị sán không quá khó khăn, thuốc cũng không đắt. Nếu có biểu hiện đi ngoài, có đốt sán, có nổi mụn hạch hoặc biểu hiện khác... thì sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ.
Theo phác đồ điều trị sán Bộ Y tế ban hành năm 2004, kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với sán thì chưa có chỉ định điều trị.
"Tôi cũng nhắc lại là có kết quả xét nghiệm dương tính với sán cũng chưa thể khẳng định cơ thể có sán và chưa phải để chỉ định điều trị. Chỉ khi có biểu hiện như tôi vừa nói mới điều trị. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào chẩn đoán...", ông Phong nhấn mạnh.
Với các cháu chưa xét nghiệm, chưa có kết quả thì không chỉ tiếp tục theo dõi ấu trùng ký sinh trùng đường ruột mà theo dõi sức khoẻ thường xuyên, nếu thấy sức khỏe không tốt thì phải khám và điều trị kịp thời, trong đó giám sát ký sinh trùng đường ruột và sán.
Ông Phong cũng chỉ rõ, với các kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân dương tính với sán, với ghi chú “khám lại sau 1 – 2 tuần”, người dân không nhất thiết đưa con quay trở lại khám.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế cử cán bộ của các bệnh viện trong giai đoạn bệnh nhân chờ tái khám sẽ xuống trực tiếp trường, địa phương nơi trẻ sinh sống để cùng kiểm tra, giám sát, theo dõi. Vì như đã nói, huyết thanh dương tính với sán chưa thể hiện chắc chắn cơ thể có ấu trùng. Bác sĩ sẽ cùng kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, các cháu có xét nghiệm dương tính và có biểu hiện bệnh mới cần điều trị...”, ông Phong cho biết.
Trước câu hỏi nếu không còn lưu mẫu thịt heo thì làm sao điều tra được nghi vấn thịt heo nhiễm sán, ông Phong cho biết, việc không lưu mẫu là vi phạm pháp luật. "Các cơ sở nào vi phạm về quy định lấy mẫu, về người chế biến thực phẩm, về nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị... đều là vi phạm", ông Phong nêu rõ. |