Tại họp báo, trả lời câu hỏi về tiến độ giải quyết những vướng mắc liên quan đến 2 dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và khi nào những công trình trên có thể tái khởi động và đi vào hoạt động, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, 2 dự án được triển khai xây dựng từ năm 2015. Trong quá trình thực hiện dự án, việc thi công, tổ chức thực hiện hợp đồng có nhiều vướng mắc liên quan. Đầu năm 2021, dự án đã tạm dừng thi công. Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc, chưa có cơ chế xử lý những vấn đề khó khăn liên quan.
Trước tình hình đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập tổ công tác của Chính phủ, trong đó có đại diện Bộ Y tế, và có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, để thực hiện nhiệm vụ rà soát những khó khăn, vướng mắc của dự án, đề xuất các phương án để giải quyết, tháo gỡ, xử lý cho dự án được tiếp tục, hoàn thiện để phục vụ nhân dân.
Thời gian qua, tổ công tác của Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần rà soát hồ sơ của dự án và đánh giá một cách toàn diện những vấn đề pháp lý và vi phạm liên quan; nghiên cứu, xác định những khó khăn, vướng mắc cơ bản cần tháo gỡ. Trên cơ sở đó, các cơ quan đề xuất phương án để xử lý, giải quyết. Bộ Y tế và tổ công tác đã có nhiều báo cáo gửi Chính phủ và trực tiếp báo cáo tại các cuộc họp.
Cho đến nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện phương án để báo cáo tiếp. Trong đó, bộ sẽ đề nghị, đề xuất với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 2 dự án này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành để có phương án khả thi, sớm trình các cấp có thẩm quyền về cơ chế giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, các bệnh viện này sẽ tiếp tục xây dựng, đi vào hoạt động.
Với Bệnh viện Bạch Mai, khối lượng hoàn thành đã trên 90%, Bệnh viện Việt Đức khoảng 60%. Ngày 9-11, nhà thầu Bệnh viện Việt Đức đang khởi động lại, tiếp tục thi công dự án.
Về tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng đến nay đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4 điểm % so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%). Và, chỉ còn 3 tháng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.
Thứ trưởng cho rằng, những khó khăn, thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm 2024 là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông. Vấn đề này liên quan không chỉ Luật Đầu tư công mà còn rất nhiều luật khác, đặc biệt là luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ cho các công trình.
Để đạt được mục tiêu giải ngân 95% từ nay đến hết kế hoạch năm 2024, Bộ KH-ĐT đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng, Chính phủ ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
“Hiện nay, luật đã cho phân cấp rất nhiều. Các bộ, ngành, địa phương phải triển khai rà soát ngay kế hoạch vốn của mình để có thể điều chỉnh phù hợp. Chỗ nào, dự án nào chậm giải ngân thì có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao”, Thứ trưởng thông tin.
Còn về giải pháp đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, theo Thứ trưởng, chính là thể chế. Luật Đầu tư công đang được sửa đổi và đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này, kèm theo đó là các luật khác như luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Các đột phá về thể chế này ngay trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải có hiệu lực của luật. Bộ KH-ĐT hy vọng sang năm sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ. Bộ KH-ĐT cũng đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là các dự án BT chuyển tiếp và sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một nghị quyết để tháo gỡ.