Theo phóng viên TTXVN tại London, trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden đồng ý rằng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận bất chấp những cảnh báo về hành động quân sự sắp tới của Nga mà Moskva luôn bác bỏ.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden đã trao đổi về các cuộc thảo luận gần đây của họ với các nhà lãnh đạo thế giới. Hai nhà lãnh đạo cảnh báo nếu xảy ra xung đột quân sự ở Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài không chỉ đối với các bên liên quan mà còn gây thiệt hại sâu rộng cho cả thế giới.
Về phía Nga, khi được hỏi liệu có cơ hội đạt được thỏa thuận với phương Tây hay không, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng "các khả năng còn lâu mới cạn kiệt”, đồng thời đề nghị “tiếp tục và tăng cường” các khả năng này.
Giới phân tích cho rằng điều này cho thấy biện pháp ngoại giao là con đường giúp xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng nếu không bên nào giải quyết vấn đề về khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì bế tắc vẫn tồn tại.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo chống lại những lời kêu gọi mang tính kích động và cho biết ông sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
* Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã điện đàm riêng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Trong các cuộc điện đàm, TTK LHQ hoan nghênh các nỗ lực đối thoại ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp nào ngoài lộ trình ngoại giao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Khi được báo giới hỏi liệu cuộc điện đàm của người đứng đầu Liên hợp quốc với ngoại trưởng hai nước Nga và Ukraine có phải là tín hiệu cho thấy Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải lớn hơn hay không, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định ông Guterres luôn sẵn sàng đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải bởi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine cũng như đưa vũ khí vào lãnh thổ nước này cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Cũng trong ngày 14-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này sẽ đóng cửa Đại sứ quán ở Kiev trước nguy xảy ra các hành động quân sự tại Ukraine.
Trong một tuyên bố, ông Blinken cho biết Mỹ đang trong quá trình tạm thời chuyển các hoạt động của Đại sứ quán ở thủ đô Kiev đến thành phố Lviv, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn can dự với Ukraine và đang tiếp tục “các nỗ lực ngoại giao tích cực để làm dịu cuộc khủng hoảng”.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, những biện pháp phòng ngừa thận trọng này không hề làm suy yếu sự ủng hộ hoặc cam kết của Mỹ đối với Ukraine, trong đó có cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thay đổi.
Ông Blinken cho biết thêm, Mỹ tiếp tục nỗ lực để đạt được một giải pháp ngoại giao, sau cuộc gọi của Tổng thống Joe Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng hai nước.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh mong muốn nhân viên của Mỹ sẽ trở lại Đại sứ quán ngay khi có điều kiện, cũng như kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine đăng ký với Bộ Ngoại giao để theo sát bất kỳ diễn biến mới nào về tình hình an ninh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đang được lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine canh gác và Mỹ có ý định quay trở lại Đại sứ quán “ngay khi thấy an toàn”.
Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo về việc sẽ cắt giảm nhân viên ở Kiev và chấm dứt các dịch vụ lãnh sự cho người Mỹ, chuyển các hoạt động đó cho cơ quan đại diện của Mỹ tại thành phố Lviv của Ukraine, nằm gần biên giới với Ba Lan.
Cũng trong tuần trước, chính quyền Biden đã hối thúc những người Mỹ vẫn còn ở Ukraine rời khỏi đất nước này trong vòng 48 đến 72 giờ. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó gửi thêm một thông báo trên Twitter rằng công dân nước này có thể nhập cảnh Ba Lan qua biên giới đất liền với Ukraine, lưu ý rằng không cần phê duyệt trước ngoài hộ chiếu hợp lệ của Mỹ và bằng chứng tiêm chủng ngừa Covid-19.
Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết tổng số bao nhiêu người Mỹ và thường trú nhân hợp pháp ở Ukraine, vì những nhóm này không bắt buộc phải đăng ký với chính phủ Mỹ khi ở nước ngoài. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã liên tục khuyến cáo người Mỹ tận dụng các lựa chọn thương mại để rời khỏi Ukraine, đồng thời nói rằng chính phủ sẽ không hỗ trợ một cuộc sơ tán hàng loạt như cuộc di tản xảy ra ở Afghanistan.