Làng xuất khẩu lao động

Làng xuất khẩu lao động

Xã Thái Mỹ (Củ Chi TPHCM) có gần 1.000 lao động đã và đang làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung bình một lao động gửi về 80 - 100 triệu đồng/năm,  góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.

Làng xuất khẩu lao động ảnh 1

Học nghề may trước khi đi nước ngoài làm việc ở Công ty Suleco.   Ảnh: T.V.

Trước đây, người dân xã Thái Mỹ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nghề đan mây tre xuất khẩu, thu nhập không ổn định. 22% dân số của xã không việc làm.

Thu nhập lao động tại chỗ ở mức 6 trăm ngàn đồng/người/tháng, trong khi một người xuất khẩu lao động thu nhập lên đến 9 triệu đồng/tháng.

Thấy được hiệu quả từ chương trình này, năm 1995 chính quyền xã phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH huyện liên hệ với Công ty Suleco tư vấn thanh niên điều kiện tham gia hợp tác lao động. Gia đình nghèo, diện chính sách có nguyện vọng tham gia xuất khẩu lao động nhưng không đủ điều kiện được chính quyền địa phương hỗ trợ 50% vốn trở lên. Nhờ vậy, số thanh niên tham gia xuất khẩu lao động của xã ngày một tăng.

Hơn 10 năm thực hiện chương trình, Thái Mỹ đã có 964 con em đi lao động nước ngoài (nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản), trong đó có hơn 500 thanh niên là bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách và diện đói nghèo. Sau 2- 3 năm làm việc, bình quân một lao động mang về gia đình 200 đến 300 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình thoát nghèo.

Có những hộ không có một mảnh đất cắm dùi nay đã tậu được đất, xây được nhà như gia đình anh Phạm Văn Thanh, Phạm Văn Cánh (ấp Bình Thượng 1 và Bình Hạ Đông). Không ít hộ dùng tiền con, em gửi về lo tiếp cho thành viên khác trong gia đình đi, cứ thế nhiều gia đình có 3 - 5 người lần lượt đi xuất khẩu lao động, mang không ít ngoại tệ về gia đình, giúp đỡ bà con lối xóm, góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ giáo dục… địa phương.

Là lao động được đánh giá giỏi tại Nhật, sau 3 năm tu nghiệp, chị Phạm Thị Phương mang về gần 350 triệu đồng và vốn tiếng Nhật. Chị cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo, không có đất, hàng năm cứ đến mùa lúa, ba tôi phải chạy hết nơi này đến nơi khác mượn đất canh tác. Ước mơ được đi xuất khẩu lao động quá xa vời với chị em chúng tôi.

Nhưng nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, chị tôi đi trước và sau đó đến lượt tôi và bây giờ là em tôi. Dù lúc đầu gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… nhưng do chịu khó chúng tôi dần dần hòa nhập và được đánh giá tay nghề cao, nên được trả lương cao hơn các tu nghiệp sinh đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN khác”.

Anh Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ, cho biết: “Xuất khẩu lao động là một chiến lược lâu dài, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương nên chúng tôi chọn các thị trường lao động tốt, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín để giới thiệu, giúp bà con tránh rủi ro. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở gia đình, động viên các em làm việc để giữ uy tín địa phương, gạt bỏ tư tưởng bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng. Để tạo điều kiện cho con em các gia đình nghèo, gia đình chính sách tham gia chương trình này, chúng tôi trợ giúp vốn lãi suất ưu đãi, không để bà con tự ý vay lãi nóng bên ngoài”.

LÊ MAI THI

Tin cùng chuyên mục