Ông Nguyễn Quốc Sự là một trong những nghệ nhân tài ba của làng thêu lừng danh xứ Bắc - xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội). Năm nay ông Sự 69 tuổi, nhưng từ 56 năm trước ông đã ngồi trước khung thêu, găm những mũi kim đầu tiên vào nền vải.
Cũng như ông Sự, xã Thắng Lợi có rất nhiều người sống và lớn lên cùng với những khung thêu. Một năm 12 tháng, ngót 10 tháng họ ngồi bên khung thêu, thời gian còn lại là lo việc đồng áng. Hiện xã có 20 doanh nghiệp thêu, cơ sở ít nhất cũng 100 thợ. Doanh nghiệp của ông Sự lớn nhất, với 350 thợ. Trong số đó, có 20 nghệ nhân bậc cao được ông Sự tổ chức thành một đội, chỉ chuyên thêu tranh theo mẫu đặt hàng của khách, nhất là khách nước ngoài.
Bàn tay tài hoa khéo léo của ông Sự không chỉ nổi danh xứ Bắc, năm 2000 Đài Truyền hình Nhật Bản NHK đã sản xuất một chương trình về ông. Năm 2008, ông Sự lại đem sự tài khéo của người Thăng Long sang tham dự triển lãm của những nghệ nhân tài ba, tại Takashimaga, Nhật.
Tranh thêu của xã Thắng Lợi không bóng bẩy mà đi vào chiều sâu. Bên cạnh sự khởi thủy của làng là tranh chân dung hết sức có thần, các mẫu tranh thêu khác cũng làm mãn nhãn người thưởng thức.
Người thợ thêu ở xã Thắng Lợi có thể mô tả một dòng suối trong văn vắt bằng đường kim mũi chỉ, dưới làn nước hiện lên những viên sỏi mòn nhẵn. Ấy là họ đã đạt đến chiều sâu của một tác phẩm nghệ thuật, chứ không chỉ dừng lại ở việc vờn tỉa bên ngoài. Người ta thích tranh thêu xã này chính ở điểm đó, điều rất khó tìm thấy ở tranh thêu nơi khác. Bàn tay tài khéo của các nghệ nhân thêu trong làng đã nuôi sống người dân qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử. Đến nay, trong khi các loại hình tranh nghệ thuật hiện đại tuôn chảy ào ạt, những bức tranh thêu thủ công ở xã Thắng Lợi vẫn có vị trí xứng đáng
ĐẶNG CAO TỪ