Dự án làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Tây Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh) và làng thanh niên xung phong (TNXP) ở xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từng được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội việc làm, giúp nhiều thanh niên trên địa bàn lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, khiến người dân hoài nghi.
Thiếu quỹ đất
Dự án làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Tây Kỳ Anh được xây dựng từ năm 2015, với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa và lợi thế của vùng để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và nhân dân trên các địa bàn; phát triển vùng nguyên liệu chè, vùng cây ăn quả, quản lý và phát triển rừng trên địa bàn vùng núi khó khăn.
Dự án sẽ sắp xếp, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho 180 hộ hội viên (trong đó tiếp nhận mới 145 hộ và hỗ trợ 35 hộ gia đình trong vùng dự án), với vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết việc làm cho 370 lao động, chủ yếu là trồng chè và cây lâm nghiệp lâu năm. Đây là một trong 15 dự án làng TNLN được Chính phủ chọn cho phép đầu tư xây dựng giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, đến nay ngoài những hộ dân địa phương đã có đất ở vùng dự án lên xây dựng nhà cửa, vườn tược, còn lại ban quản lý dự án vẫn chưa tiếp nhận được một trường hợp mới nào. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn kinh phí, thiếu quỹ đất để thu hút thanh niên.
Ông Hồ Xuân Hiếu, phụ trách Ban quản lý Dự án làng TNLN Tây Kỳ Anh, cho biết, theo đề án ban đầu, dự án được quy hoạch trên tổng diện tích hơn 2.800ha đất nằm trong địa giới hành chính xã Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh). Nhưng đến nay, do chưa bố trí được kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án mới chỉ được thẩm định, phê duyệt trên bản đồ khoảng 18ha đất ở khu vực vùng trung tâm để bố trí dân cư, xây dựng sân bóng, mô hình điểm…; số còn lại là diện tích trồng chè và cây lâm nghiệp lâu năm của người dân địa phương.
“Vấn đề quan trọng và mấu chốt nhất hiện nay của dự án là vẫn chưa có quỹ đất để bàn giao, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư, bố trí sản xuất… nên kéo theo đó là chưa thu hút các hộ gia đình thanh niên từ nơi khác đến đây định cư, lập nghiệp. Dự án đã làm được gần 4 năm, nhưng mới chỉ được bố trí 15,6 tỷ đồng của Trung ương và hơn 700 triệu đồng của địa phương. Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần có tờ trình kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có kinh phí”, ông Hiếu cho biết.
Với thực trạng thiếu kinh phí, quỹ đất không có, cơ sở hạ tầng thiếu đủ bề, việc thu hút các hộ gia đình thanh niên giậm chân tại chỗ... đang làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, mục tiêu của dự án. Thời gian sắp tới, nếu những bất cập này vẫn không được ngành chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh khắc phục thì không biết đến bao giờ làng TNLN Tây Kỳ Anh mới trở thành một làng theo đúng nghĩa yêu cầu.
Không sát với thực tế
Trong khi đó, làng TNXP nuôi trồng thủy sản nước mặn trên diện tích 120ha tại địa bàn xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được triển khai từ năm 2008, vốn đầu tư khoảng 36 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, cũng không phát huy được hiệu quả, không thu hút được thanh niên đến đăng ký sản xuất. Dự án được triển khai nhằm khai thác đất đai hoang hóa sẵn có tại địa phương, góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã; áp dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thanh niên trên địa bàn nuôi trồng thủy sản lập thân, lập nghiệp.
Theo tiến độ đề ra, năm 2013 dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất. Nhưng đến cuối năm 2015, dự án này mới cơ bản hoàn thành các hạng mục thi công. Đầu năm 2016, mới xây xong hàng rào, đào đắp ao nuôi và hệ thống cấp điện, cống tiêu thoát nước, khu nhà quản lý điều hành... Kết thúc giai đoạn đầu tư, làng TNXP nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh không thu hút được bất kỳ hộ gia đình thanh niên nào đăng ký gia nhập, do không xây dựng được phương án sản xuất, nhiều diện tích đất đai tại dự án bị bỏ hoang lãng phí... Mặc dù Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã liên hệ với các tổ chức, đơn vị nhằm xây dựng, lựa chọn phương án sản xuất hợp lý, nhưng do mục tiêu xây dựng dự án không sát với thực tiễn sản xuất và điều kiện đất đai, nguồn nước ở địa phương nên không khả thi.
Ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, cho biết, mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng làng TNXP nuôi trồng thủy sản nước mặn. Nhưng trước thời điểm khởi công xây dựng ở xã Thạch Kênh, dự án ngọt hóa sông Nghèn đã được hoàn thành, nên nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất nhiễm mặn và hạn hán ở khu vực dự án đã được ngọt hóa, việc nuôi trồng thủy sản đòi hỏi phải có công nghệ, kỹ thuật, nên ban quản lý dự án phải chuyển đổi mục tiêu từ nuôi trồng thủy sản nước mặn sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt… Hiện tại, tỉnh đoàn tạm bàn giao dự án cho xã Thạch Kênh quản lý, khai thác nhằm tránh lãng phí, xuống cấp.
Theo một cán bộ xã Thạch Kênh, sau khi nhận bàn giao từ tỉnh đoàn, địa phương đã kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dự án, tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, do mức độ nhiễm phèn trong hệ thống ao hồ khá lớn, nên việc nuôi trồng các cá thể thủy sản nước ngọt ở đây rất khó thực hiện. Với hiện trạng hạ tầng được đầu tư quy mô lớn, nếu chia nhỏ cho các hộ dân tham gia sản xuất sẽ gây lãng phí. Trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư, xã tạm cho một doanh nghiệp thuê đất để nuôi cá nhằm bảo vệ hạ tầng. Địa phương vẫn đang tìm kiếm các đối tác có nguồn lực, trình độ khoa học kỹ thuật cao để hợp tác, triển khai dự án…