Nửa cuộc đời song hành với người khó khăn
- “Chào ông Năm, ông Năm dạo này khỏe không, nay ông đi đâu đó?”, thấy ông Nguyễn Khắc Êm (tên thân mật người dân hay gọi là ông Năm), nguyên tổ trưởng tổ dân phố 29, khu phố 3, phường Bến Nghé, quận 1 (TPHCM) đạp xe ngang qua, ông Lê Kim Long cất tiếng chào hỏi.
- “Nay tôi đi một vòng dạo mát thôi. Mà anh đã treo cờ Tổ quốc chưa? Lễ kỷ niệm đến rồi đấy”, ông Êm đáp lời.

Gia đình ông Long trước là hộ nghèo, nhờ sự hỗ trợ của ông Êm nên được vay vốn của phường, con ông Long được hỗ trợ học phí, học bổng để đi học, nên sau đó gia đình ông thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. “Chú Năm là một người sống rất tốt, chú thường xuyên giúp đỡ mọi người. Hồi còn là tổ trưởng, chú hay đến từng nhà để động viên và giúp đỡ khi người dân có khó khăn. Giờ không giữ vị trí ấy, nhưng chú vẫn quan tâm đến từng gia đình, gắn kết người dân. Nhờ đó, mọi người trong khu phố luôn nâng cao tinh thần đoàn kết”, ông Long chia sẻ.
Có 48 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Êm là minh chứng sống động cho tinh thần tận tụy và cống hiến không ngừng vì cộng đồng. Ông đã thực hiện sứ mệnh kết nối, hỗ trợ người dân để từ đó góp phần xây dựng TPHCM ngày càng phát triển trong suốt chặng đường 50 năm. Từng là hộ gia đình thuộc diện nghèo, nhờ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nên ông Êm hiểu tâm tư, tình cảm, khó khăn của người dân có hoàn cảnh như mình. Ông đã vận động chăm lo cho hơn 42 hộ nghèo, với tổng số tiền tích lũy hơn 500 triệu đồng. Từ sự trợ sức, cùng năng lượng tích cực của ông Êm, hiện khu phố 3 đã không còn hộ nghèo, tất cả đều chí thú làm ăn, có cuộc sống ổn định.
Trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng đất nước và TPHCM, giờ đây ở tuổi gần 90, NSND Kim Cương không chỉ được biết đến là kỳ nữ nổi danh trên sân khấu, mà còn là người tích cực hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt trong hỗ trợ nghệ sĩ nghèo và trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Hơn 30 năm gắn bó với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, NSND Kim Cương đã cùng góp sức thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa như: Đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể; Cứu giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; vá môi, hở hàm ếch cho trẻ… Năm 2021, bà cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và các nhà hảo tâm thực hiện chương trình “Trái tim yêu thương” để hỗ trợ trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19. Thời gian qua, bà vẫn luôn tích cực để duy trì sự hỗ trợ mức 2 triệu đồng/tháng cho trẻ, cũng như tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa để trẻ tham gia, trải nghiệm.
Theo NSND Kim Cương, hạnh phúc, niềm vui đến từ sự đồng cảm. Càng tham gia các hoạt động vì cộng đồng, bà thấy mình thấm thía trách nhiệm thiêng liêng của người nghệ sĩ với các hoạt động vì xã hội. NSND Kim Cương tin, chính sự đồng cảm, sẻ chia đã giúp thành phố trở nên sâu đậm, giàu nghĩa tình.
Góp gạch xây đời
Ở quận 10 (TPHCM) có con đường mang tên Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Viện sĩ, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Quang Trung - niềm tự hào của bao thế hệ sinh viên y khoa cũng như các y bác sĩ. Đây là tuyến đường đặc biệt khi có đến 3 đơn vị y tế lớn của TPHCM: Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Viện Tim TPHCM và Bệnh viện Nhân dân 115. “3 năm qua, hàng ngày em đi qua tuyến đường này để đến trường học tập, nghiên cứu. Mỗi lần đi qua đây, em đều tự nhắc nhở bản thân cố gắng học tập để noi theo tấm gương y đức của thầy”, Nguyễn Hoàng Nhân, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch bày tỏ.

Viện sĩ, bác sĩ Dương Quang Trung được xem là ngọn cờ đầu của ngành y Việt Nam. Con đường mang tên ông cũng là nơi hàng chục năm ông gắn bó cùng các viện, trường trong khu vực. Chính ông là người sáng lập Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và ông cũng là người đồng sáng lập Viện Tim TPHCM (2 đơn vị đang tọa lạc ở tuyến đường mang tên ông).
Ngoài ra, nhiều trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố, nay là các bệnh viện chuyên khoa mũi nhọn hàng đầu của khu vực phía Nam như: Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Bệnh viện Mắt TPHCM… cũng mang dấu ấn Viện sĩ, bác sĩ Dương Quang Trung. Còn nhớ, năm 1988, ca mổ lịch sử kéo dài 15 tiếng đồng hồ để tách cặp sinh đôi dính liền Việt - Đức do bác sĩ Dương Quang Trung chỉ huy đã làm nên kỳ tích cho ngành y học Việt Nam và khiến thế giới thán phục, nể trọng.
Cũng góp từng viên gạch để xây lâu đài tri thức cho người dân, hơn 30 năm qua, TS Võ Tá Hân, kiều bào Mỹ đã trao tặng hàng triệu cuốn sách giá trị cho các thư viện, trường ĐH và cao đẳng trên cả nước. Trong hàng chục ngàn đầu sách ở thư viện Trường ĐH Bách khoa TPHCM, có hàng ngàn cuốn sách nhập khẩu từ các nước, được ông Võ Tá Hân gửi tặng. Nhiều đầu sách quý thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, lĩnh vực chuyên sâu như nhiệt động học, cơ học chất rắn và kết cấu cũng có mặt tại thư viện nhờ sự hỗ trợ trao tặng của ông Hân. Đặc biệt, năm 2023, ông Hân tài trợ quyền truy cập vĩnh viễn 500 đầu sách điện tử (ebooks) từ một nhà xuất bản Singapore cho thư viện trường.
Xuất phát từ việc nhận thấy Việt Nam còn thiếu sách giáo khoa, nhất là về khoa học, kỹ thuật, tài chính, kinh tế…, ông Hân bắt đầu chương trình quyên góp sách về nước, thông qua việc kêu gọi bằng cách viết hàng trăm bước thư gửi đi các nơi để xin sách. Ông Hân chia sẻ, ông chỉ muốn góp một phần nhỏ sức mình, đồng hành vì mục tiêu phát triển tri thức của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Nhìn lại chặng đường gần 50 năm gắn bó, giúp đỡ người dân trong khu phố, người tổ trưởng Nguyễn Khắc Êm nay bước qua tuổi 80 cười hiền lành: “Hạnh phúc của tôi là được thấy cuộc sống của người dân trong khu phố ngày một ấm no, hạnh phúc; trẻ em được đến trường để có tương lai tươi sáng”.
