Vùng biển Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) từ lâu đã trở thành “ngôi nhà thứ hai” của những người bạn nước ngoài, đặc biệt là người Nga. Ban đầu, người nước ngoài đến đây chỉ với mục đích du lịch, nhưng chính cảnh đẹp và sự thân thiện của người bản xứ đã níu chân... Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, với sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng, sự hỗ trợ của địa phương, họ đã vượt qua khó khăn và càng thêm yêu mến, gắn bó với vùng đất này.
Những ngày “dông bão”
Trở lại vùng biển Mũi Né thuộc 2 phường Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) khi tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở vùng đất du lịch nổi tiếng này vẫn phải đóng cửa im lìm. Dọc các cung đường Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng, nơi được nhiều người đặt cho các tên gọi “làng Nga”, “làng Tây”, vốn nhộn nhịp tiếng chào mời của người nước ngoài, nay trở nên vắng lặng.
Ông Gribov Evgent (người Nga), đến phường Hàm Tiến thuê mặt bằng mở nhà hàng kinh doanh ẩm thực và đã gắn bó nơi này hơn 5 năm. Công việc buôn bán của ông Gribov Evgent diễn ra khá thuận lợi trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nay, sau nhiều tháng gắng gượng, ông đã phải trả lại mặt bằng và đi tìm phòng trọ để ở.
Không chỉ những người ngoại quốc sinh sống và làm việc lâu năm tại miền biển Mũi Né, mà ngay cả những vị khách nước ngoài đến đây du lịch cũng đã trải qua những ngày tháng khó khăn vì dịch bệnh. Đang tá túc tạm tại một homestay ở vùng biển Mũi Né, anh Lawvence Roberto Cochrane, đến từ Vương quốc Anh, tỏ ra sốt ruột khi hơn một năm nay vẫn chưa thể về nước do dịch bệnh kéo dài.
Trước đó vài năm, Roberto Cochrane đến TPHCM du lịch và đi dạy tiếng Anh để kiếm sống. Đầu năm 2020, anh bị thất nghiệp và tới Mũi Né để tiếp tục hành trình trải nghiệm của mình. “Tôi tới Mũi Né thì dịch bùng phát mạnh và bị kẹt lại cho đến nay. Không có việc làm, cũng không đủ tiền ăn uống, thuê nhà, tôi như một người vô gia cư đúng nghĩa”, Roberto Cochrane nhớ lại.
Ấm áp tình làng, nghĩa xóm
Hơn một năm nay, khu homestay, nhà hàng có tên Ihome của anh Bùi Việt Hưng (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) trở thành nơi trú ngụ của hàng chục vị khách nước ngoài đến từ Nga, Thụy Điển, Anh… bị “mắc kẹt” do dịch Covid-19, trong đó có anh Roberto Cochrane.
Roberto Cochrane cũng không thể ngờ rằng trong lúc mình gặp khó khăn nhất thì anh Hưng, một người Việt Nam đã dang tay giúp đỡ. “Hưng đưa tôi về khu homestay của mình, bố trí chỗ ăn, chỗ ở cùng với nhiều người bạn ngoại quốc khác có hoàn cảnh tương tự tôi. Không chỉ vậy, mỗi ngày chúng tôi còn được chính quyền, người dân nơi đây hỗ trợ gạo, mì tôm, trái cây. Giờ tôi không chỉ có cuộc sống ổn định, an toàn hơn, mà còn tìm được tình yêu cho mình”. Roberto Cochrane đưa ánh mắt trìu mến nhìn chị Varvara Enikeeva (người Nga) đang loay hoay phụ dọn dẹp trong khu homestay.
“Mặc dù công việc kinh doanh của tôi hiện tại cũng bộn bề khó khăn, nhưng tôi có nhà, có người thân, còn họ thì không. Để có thể trang trải những chi phí sinh hoạt, tôi chỉ thu mỗi người 30.000 đồng/ngày. Họ về đây sinh sống xem nhau như gia đình, cùng giúp đỡ, nương tựa nhau để vượt qua thời điểm khó khăn trong cuộc sống”, anh Hưng chia sẻ.
Còn đối với Rury và Anton, sau khi bị thất nghiệp, họ rủ nhau về xã vùng ven của TP Phan Thiết để thuê phòng với giá rẻ hơn. Tại đây, hai người bạn đến từ đất nước Nga đã có những kỷ niệm đẹp, ấm tình người bên cạnh những cư dân bản xứ. “Không chỉ giúp đỡ chúng tôi tiền, lương thực, nhiều người dân còn bưng tô canh, tô bún cá… đến mời anh em tôi ăn. Đây sẽ mãi là những tình cảm khó phai”, anh Anton chia sẻ.
Ông Gribov Evgent (người Nga) cảm nhận: “Ở Việt Nam đã nhiều năm, nhưng đến khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi mới hiểu được thế nào là “tình làng nghĩa xóm”. Người dân các bạn xem chúng tôi như người nhà, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ từ ký gạo, gói mì tôm trong thời điểm chúng tôi khó khăn nhất.
Đáp lại tấm chân tình
Trân quý sự giúp đỡ của chính quyền, người dân bản địa, những vị khách phương xa luôn mong mỏi làm được điều gì đó để đáp lại những tấm ân tình của người Việt. Nhiều người như Anton, Rury, Roberto Cochrane… đã lên kế hoạch dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo, thu dọn rác ở bãi biển, dạy nghề lướt ván cho người khó khăn… khi dịch bệnh lùi xa. Còn ông Gribov Evgent thì lại mong dịch bệnh sớm nhanh qua, ông sẽ lại mở nhà hàng, làm những món ăn Nga để mời lại các bạn Việt Nam, những con người thân thiện, nghĩa tình.
Riêng những người nước ngoài ít gặp khó khăn về tài chính, nhưng vẫn đang kẹt lại vùng biển Mũi Né thì lại có việc làm thú vị để tri ân những người bạn, người anh em Việt Nam từng giúp đỡ mình và những người ngoại quốc khác.
Câu chuyện về vợ chồng anh Jolien Janzekovic và chị Zuzanna Zaremba sống trong căn nhà thuê ở xã Thiện Nghiệp, bên vùng biển Mũi Né hiền hòa, đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng, xúc động.
Jolien ở Ba Lan và Zuzanna ở Slovenia, vô tình gặp nhau tại TPHCM khi đang đi du lịch, sau đó thì nảy sinh tình cảm rồi kết hôn. Vì thích ánh nắng và biển xanh, họ quyết định chọn vùng đất Mũi Né để sinh sống. Hiện cặp vợ chồng này đã có một cậu con trai được 20 tháng tuổi tên là Feliks. Chồng của Zuzanna là một chuyên gia sửa xe đua cho các giải đấu lớn trên thế giới nên hay đi công tác xa. Ở lại Việt Nam, hai mẹ con chị Zuzanna thường xuyên nhận được những món quà là những món ăn của những người hàng xóm.
“Ở nước chúng tôi, phong cách sống không giống như nước các bạn. Người Việt Nam nấu được món ăn gì ngon thường bê qua cho hàng xóm của mình, đất nước chúng tôi không có chuyện này. Ở đây, tôi cảm thấy rất vui vì sự hòa đồng, tình cảm của các bạn”, Zuzanna tâm sự.
Đáp lại tình cảm của những người bạn, người hàng xóm Việt Nam, Zuzanna đã đi tìm mua bồ kết, chanh, cam, sả, hoa đậu biếc… rồi học người bản xứ tạo ra những sản phẩm từ thiên nhiên mang tặng mọi người. Cô nàng người Ba Lan dùng trái bồ kết để làm nước gội đầu; dùng chanh, cam, sả để tạo ra những cục sáp thơm. Tất cả những điều này Zuzanna đều học từ các phương thức dân gian của người Việt.
“Những người bạn Việt Nam của tôi khi nhận được chai nước bồ kết dùng để gội đầu đều trố mắt ngạc nhiên vì không nghĩ một người ngoại quốc như tôi lại biết đến loại dược liệu cổ truyền của người Việt Nam”, Zuzanna nở nụ cười ấm áp sau lớp khẩu trang phòng dịch.
Gặp, nói chuyện với những vị khách phương xa đang kẹt lại ở vùng biển Mũi Né vì dịch Covid-19, tất cả đều tỏ ra cảm kích trước tấm lòng nhân hậu, hòa đồng, mến khách của chính quyền và người dân bản địa. Nhiều người trong số họ còn cảm thấy may mắn khi bị “mắc kẹt” tại Việt Nam, bởi ở đây cho họ cảm giác rất an toàn.
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cho biết, những người nước ngoài làm lao động tự do, bị thất nghiệp khi gặp khó khăn do dịch bệnh đều được hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng ngày, nhất là trong các khu phong tỏa. Thành phố đã chỉ đạo cho các phường, xã theo dõi và kịp thời hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho họ. |