Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 29-5, anh Hoàng Khởi, một tài xế taxi ở xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã xuất hiện một đàn châu chấu nhiều chưa từng gặp từ trước đến nay, với số lượng lên đến hàng vạn con.
Trong đó, khu vực nhiều châu chấu nhất là đoạn đường dẫn vào Trường Tiểu học Thiện Hòa. Tại đây, châu chấu đậu gần như đen kín các bức tường, thậm chí tràn cả ra mặt đất. Chỉ đỗ taxi lại một lát, anh Khởi đã thấy đàn châu chấu "vây" kín quanh xe.
Theo anh khởi, hiện tượng này mới xuất hiện khoảng gần 1 tuần nay, trước đây chưa từng có.
"Đàn châu chấu này đã ăn gần hết các lá vầu (một loại cây họ tre) và bây giờ đang bắt đầu tràn xuống các ruộng ngô (bắp)", anh Khởi chia sẻ với PV Báo SGGP.
Theo người dân ở khu vực này chia sẻ, phần lớn thời gian châu chấu đậu trên các ngọn tre, vầu nên rất khó tiêu diệt bằng phun thuốc sâu. Nếu muốn phun thuốc diệt châu chấu thì cần phải có máy phun với cần phun dài.
Anh Khởi đã quay một đoạn clip châu chấu đậu kín tường của ngôi trường tiểu học, đăng lên Facebook thì hôm nay có nhiều người ở Hà Nội và một số địa phương nhắn tin nhờ bắt giúp vài cân. "Có một vài người gọi điện, đặt hàng nhờ tôi đi thu bắt giúp 1-2kg với giá khoảng 40.000 đồng/kg", anh Khởi cho biết, chủ yếu người ta đặt mua về để làm thức ăn cho các loại chim cảnh.
"Loại châu chấu này không giống như châu chấu thông thường, lưng có màu vàng, to và xấu hơn. Hôm qua, có 1-2 người ở đây đã bắt để chế biến làm thức ăn, nhưng cũng không thấy bị sao", anh Khởi nói.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, một chuyên gia về dịch hại cây trồng cho rằng, loại châu chấu như trong ảnh chụp tại xã Thiện Hòa có nhiều nét giống loài châu chấu tre. Thức ăn của chúng là lá những cây họ tre hoặc bắp, lúa...
Loại châu chấu này sinh sản nhanh, thường làm tổ đẻ trứng trong đất, di chuyển tới đâu sẽ sinh sôi ra cả đàn, rất nguy hại cho cây trồng. Tại các tỉnh ở miền núi phía Bắc như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu... nhiều năm trước đã xuất hiện loại này. Có thời điểm, chúng làm tổ và sinh sản ở bên Lào rồi di chuyển thành đàn sang Sơn La, Lai Châu... Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp dập dịch, nhưng sau một thời gian lại tái phát.
Đến chiều 29-5, một chuyên gia thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) xác nhận, đây là giống châu chấu tre lưng vàng và đang xuất hiện nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.