Khu tái định cư đặc biệt này được đồng chí Lê Khả Phiêu đặt tên là làng Rồng, cách làng Hải Thành chừng 1km, nay thuộc tổ dân phố An Hải, phường Thuận An, TP Huế. Làng cũ Hải Thành ngày đó, cả nhà cửa, lẫn tài sản và 16 người dân bám trụ trong những ngôi nhà kiên cố, bị trận lũ lịch sử ngày 2-11-1999 xé toạc, nhấn chìm xuống biển. Gần 25 năm trôi qua, từ làng chài ven biển chỉ toàn những mảnh đời đau thương, mất mát ngày nào đã thành làng Rồng hừng hực sức sống. 64 căn nhà do Quân khu 4 khẩn cấp xây dựng, giờ đã được sửa chữa hoặc xây mới khang trang, bám dọc những con đường bàn cờ, dưới bóng cây xanh.
Trong căn nhà đầy đủ tiện nghi ở giữa làng Rồng, ông Lê Văn An (58 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố An Hải) chia sẻ, làng Rồng đã có điện, đường, trường, trạm đồng bộ. Đời sống người dân ngày càng ổn định. Cả làng không còn hộ nghèo. “Khi đặt tên làng Rồng, đồng chí Lê Khả Phiêu mong muốn dân làng vươn lên mạnh mẽ. Vậy nên từ đó, mỗi người dân làng Rồng đều đoàn kết, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp”, ông An nhớ lại.
Đổi thay ở làng Rồng dễ thấy qua những ngôi nhà xây cao tầng, kiên cố. Mọi người đều có công ăn việc làm ổn định. Trong số gần 300 nhân khẩu, một nửa theo nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Số còn lại sinh sống bằng nghề làm bánh lọc, bánh ép và làm hương trầm. Trong khi đó, khu vực 64 ngôi nhà năm xưa ở làng Hải Thành bị trôi ra biển giờ trở thành khu du lịch sinh thái, thu hút khoảng 400.000 lượt du khách/năm.
Làng Rồng giờ thành phố thị bình yên bên bờ Biển Đông, mọi thứ ít nhiều đổi thay nhưng cái “chất biển” của bà con vẫn hiền hòa, dễ mến như những rặng phi lao kiên cường bám trụ trên cát, ý chí vươn lên nơi chân sóng. Đồng chí Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP Huế, nhìn nhận, một trong những động lực lại để làng Rồng có sức sống như hiện nay là ý chí nỗ lực, tính tự chủ của chính người dân nơi đây. Theo hướng phát triển mạnh về phía biển, tỉnh Thừa Thiên Huế đang điều chỉnh quy hoạch để làng Rồng cũng như phường Thuận An và các khu vực ven biển trở thành khu vực đô thị, dịch vụ du lịch trọng điểm. “Đó là tiền đề, bước ngoặt mở ra cho người dân làng Rồng, giúp họ quên đi những đau thương trong quá khứ, hướng đến cuộc sống ngày càng tươi đẹp”, ông Phan Thiên Định nói.