“Treo” triền miên
Dự án khu tái định cư 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12 được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 2313/QĐ-UB ngày 3-6-2002, điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1310/QĐ-UB ngày 28-3-2005 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 12 làm chủ đầu tư.
Do dự án chậm triển khai nên đến năm 2007, thành phố đã chuyển dự án về cho UBND quận 12 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn không có nhiều thay đổi. Đầu năm 2018, dự án tiếp tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500, diện tích điều chỉnh khoảng 28,2ha trên tổng diện tích 37,2851ha.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn tất. Một trong những nguyên nhân làm dự án kéo dài là người dân không đồng thuận giá đền bù.
Cùng một con đường nhưng giá đền bù trong dự án khu tái định cư 38ha thấp hơn giá đền bù dự án kế bên hàng chục lần. Giá đất khu vực quanh dự án giao dịch trên thị trường trên dưới 100 triệu đồng/m2 nhưng giá đền bù, hỗ trợ chưa đến... 10 triệu đồng, đất nông nghiệp trên 1 triệu đồng/m2.
Thời điểm triển khai dự án, diện tích đất phải thu hồi 36,2ha với 740 hộ dân phải di dời, trong đó 719 hộ bị giải tỏa trắng. Sau 20 năm, cuộc sống của người dân ảnh hưởng bởi dự án bị đảo lộn; đất đai lãng phí, phần lớn diện tích đất đã GPMB bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều nơi trở thành nơi đổ rác.
Một dự án bị quy hoạch treo giữa trung tâm thành phố là Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có diện tích 426ha, được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Sau nhiều thập niên, dự án chưa thấy tương lai, trong khi hơn 4.000 hộ dân sống ở đây bị thua thiệt đủ thứ!
Cũng thuộc loại “siêu dự án” là Saigon Peninsula, ở mũi Đèn Đỏ, quận 7, có tổng diện tích tới hơn 117ha, từ năm 2007, được chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay vẫn án binh bất động.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, huyện vừa kiến nghị UBND TPHCM thu hồi nhiều dự án trên địa bàn do chậm triển khai như: Khu công viên giải trí quốc tế Củ Chi (128,6ha); dự án Golf Củ Chi (diện tích 200ha), dự án Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi mở rộng (173ha)…
Hài hòa lợi ích
Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ năm 2015 đến nay, có hơn 670 dự án đầu tư công có thu hồi đất bị chậm tiến độ. Về nguyên nhân, ngoài các vướng mắc trong Luật Đầu tư công thì GPMB là một điểm nghẽn lớn nhất.
Tháng 3-2020, nút thắt này được tháo gỡ, bởi Chính phủ ban hành Nghị quyết 27 cho phép TPHCM thí điểm rút ngắn thời gian thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư, GPMB với các dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Tháng 8 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 28/2022 quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, tái định cư. Điểm mới của quyết định này là thành phố ban hành khung hệ số K để lập phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư thay vì một con số cụ thể cho từng quận, huyện áp dụng.
Hơn 15 năm làm công tác GPMB, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở TN-MT TPHCM), nhận định, cách làm GPMB hiện nay vẫn chưa ổn. Câu dễ nói nhất là dự án bị chậm do GPMB, nhưng vì sao chậm thì không trả lời được. Luật Đất đai quy định rất rõ khâu thu hồi đất, cưỡng chế trong trường hợp người có đất không chịu di dời… nhưng công tác chuẩn bị phục vụ cho báo cáo tiền khả thi việc thu hồi đất như thế nào thì không có.
Sau khi thu hồi đất, đời sống người dân ra sao, có cần hỗ trợ công ăn việc làm, cấp giấy chủ quyền nhà đất… không được quan tâm đúng mức. Vì không làm rõ pháp lý về đất đai, nguyện vọng của người dân nên chính sách đền bù không sát thực tiễn, dẫn tới công tác GPMB khó khăn. Về giá đất cũng vậy, dù áp dụng hệ số K, vận dụng các chính sách nhưng vẫn không tiệm cận với giá thực tế.
“Ngay cả dự thảo mới về Luật Đất đai sửa đổi cũng vậy, cố gắng thể chế hóa các quy định của Nghị định 18 nhưng chưa thể phản ánh hết vấn đề cốt lõi là việc GPMB làm cho đời sống của người bị thu hồi đất ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, ông Thơ nhận xét.
* Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM: |