Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng nhưng chưa được nghiêm trị ​ ​

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh) cho rằng: Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng. Vừa qua, chúng ta rất quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng, nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.
Quang cảnh phiên họp chiều 2-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Quang cảnh phiên họp chiều 2-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 2-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Các đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách Nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh) đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều địa phương chưa rõ nét, có nơi chưa cương quyết, có tình trạng buông lỏng, quan liêu là tác nhân gây lãng phí, song chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt, dù đã nói nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí phức tạp hơn, tăng cả quy mô và tính chất...

“Tất cả đều là lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân. Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng”, nữ ĐB nhấn mạnh.

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, vừa qua, chúng ta rất quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng, nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.

ĐB Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) bức xúc, vụ kít xét nghiệm Việt Á không chỉ dừng làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Bởi vì có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin thì nguy hại khôn lường.

“Tới nay, nước ta đã có 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi vì dịch Covid-19. Chắc chắn rằng, cuộc sống của các em sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi trong tương lai sắp tới", ĐB Trần Quốc Tuấn nói.

“Đại dịch sẽ mãi khắc ghi trong tâm trí mọi người, nhưng nỗi đau lớn nhất là trong khi cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả những người hy sinh tính mạng để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng, thì lại có một bộ phận cán bộ đảng viên tha hóa, biến chất, vô cảm trước nỗi mất mát của đồng bào mình. Họ biến mình thành con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền để rồi trở thành những phạm nhân từ những đồng tiền lót tay của Việt Á”, ĐB Trần Quốc Tuấn bất bình bày tỏ.

Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng nhưng chưa được nghiêm trị ​ ​ ảnh 1 ĐB Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi: Có phải quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật thiếu tính răn đe nên hàng loạt cán bộ ngành y sai phạm? Họ ở nhiều địa phương khác nhau, cả ở bộ ngành Trung ương, nhưng sai phạm giống nhau.

“Nếu thực sự như thế thì còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác? Công ty Việt Á là ai, tại sao họ lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy? Còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?”, ĐB Trần Quốc Tuấn đặt vấn đề.

Từ sự việc trên, ĐB Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện quy định của pháp luật để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, để vừa bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

“Giá như không để xảy ra những vụ án đau lòng như thế để không lãng phí niềm tin của nhân dân”, ĐB Trần Quốc Tuấn bày tỏ.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến các vấn đề về thị trường vốn, ngân hàng, tiền tệ và các vấn đề như chứng khoán, lãng phí trong đầu tư công, trong quản lý khoáng sản, quản lý rừng, tinh giản biên chế…, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu các giải pháp cho Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Hoàn thiện và khắc phục những tồn tại, trong đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý tài sản công.

Trước ý kiến các ĐB Quốc hội về lãng phí trong chậm giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, lĩnh vực đầu tư công hiện nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới.

Chỉ rõ các nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ cùng Quốc hội để có các giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ của các dự án đầu tư công. 

Tin cùng chuyên mục