Vẫn đang trong những ngày nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương ở Đắk Nông khô cạn nguồn nước, thế nhưng, các công trình cấp nước sạch lại không phát huy tác dụng. Có mặt tại xã Ea Pô (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), chúng tôi ghi nhận địa phương này được đầu tư đến 3 công trình nước sạch nhưng không công trình nào hoạt động, bỏ hoang nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu, năm 2004, xã Ea Pô được đầu tư 2 công trình nước sạch tại thôn Sơn Trung và thôn Quyết Tâm. Tuy nhiên, 2 công trình hoạt động được một thời gian ngắn thì ngừng hoạt động và bỏ hoang cho đến nay.
Năm 2019, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 công trình tại thôn Sơn Bằng để cấp nước sạch cho người dân. Vậy nhưng, công trình này hiện cũng đang bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm phủ cả nhà điều hành. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy nhiều hạng mục bên trong công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Các đường ống, bồn chứa nước hoen gỉ do công trình nhiều năm nay không được sử dụng, duy tu, bảo dưỡng.
Chị Vi Thị Phương (trú thôn Sơn Bằng) cho biết, năm 2019, khi địa phương triển khai dự án cấp nước sạch, gia đình chị đăng ký để được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Dù được kéo đường ống, lắp đồng hồ nhưng hơn 5 năm nay, gia đình chị vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. “Công trình hoạt động được khoảng 3 tháng đầu rồi dừng cho đến nay. Đợi mãi không có nước sạch nên gia đình phải tự khoan giếng để sử dụng”, chị Phương nói.
Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô, nhìn nhận, các công trình nước sạch của địa phương hoạt động không hiệu quả nên bỏ hoang nhiều năm nay. Nguyên nhân là người dân chủ yếu sử dụng giếng khoan, dự án cấp nước hoạt động trong tình trạng thua lỗ, không đủ chi phí vận hành nên phải dừng. “Thời điểm khảo sát xây dựng công trình, có hơn 700 hộ đăng ký lắp hệ thống nước sạch. Nhưng đến khi vận hành chỉ có hơn 100 hộ sử dụng. Do không đủ chi phí để vận hành nên công trình phải ngừng hoạt động”, ông Xoan cho hay.
Không riêng xã Ea Pô, chúng tôi ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang, gây lãng phí. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện trên địa bàn tỉnh có 262 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Tuy nhiên, chỉ có 74 công trình hoạt động, 188 công trình không hoạt động.
Theo ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Nông, nhiều công trình nước sạch được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2013 trở về trước nên đã hư hỏng, xuống cấp. Đa số các công trình sau khi thi công được bàn giao cho UBND cấp xã tự quản lý, vận hành. Các địa phương chưa thành lập được tổ quản lý vận hành, chưa xây dựng quy chế quản lý và chưa có phương án thu tiền sử dụng nước, dẫn đến công trình không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, địa bàn cấp nước là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân cư thưa thớt, địa bàn rộng... nên khi trình phương án giá nước tăng cao sẽ khó thực hiện.
Cũng theo ông Kiên, để giải quyết tình trạng này, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) xem xét, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý vận hành từ nguồn ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, đề xuất hỗ trợ nâng cấp sửa chữa 36 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn, với kinh phí 100 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng cấp nước phục vụ dân sinh trong mùa khô.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), do nắng nóng kéo dài, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; trong đó, có khoảng 410 hộ ở xã Nam Xuân, xã Nâm N’đir. Tại xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cũng có hơn 150 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.